QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN TRONG “LUẬN NGỮ”
Bài viết trình bày và phân tích sự phân loại con người theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân của Nho giáo, chủ yếu là trên cơ sở quan niệm của Khổng Tử về quân tử và tiểu nhân trong Luận ngữ. Tác giả chỉ ra ba điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại người này: một là, trên phương diện làm theo đạo “Trung dung”; hai là, trên phương diện nhận thức về nghĩa và lợi; và ba là, trên phương diện thực hành đạo đức. Từ đó, bài viết chỉ ra ý nghĩa sâu xa của việc Nho giáo so sánh hai loại người này và mục đích giáo dục của Nho giáo.
Ra đời trong hoàn cảnh xã hội rối ren, loạn lạc, vô đạo, Nho giáo rất quan tâm đến việc củng cố trật tự và chế độ đẳng cấp trong xã hội. Ngay từ đầu, nó đã rất coi trọng việc phân loại con người, chỉ ra địa vị, phẩm chất và vai trò của từng hạng người trong xã hội, đặc biệt với việc nêu bật sự khác nhau giữa chúng. Từ đó, nó vạch ra chính sách cai trị, chính sách dùng người, giáo dục và đào tạo con người cho phù hợp.
Trong chế độ xã hội lúc đó, do sản xuất còn ở trình độ thấp nên sự phân công lao động chưa phát triển. Tuy nhiên, Nho giáo đã đưa ra nhiều kiểu phân loại con người dựa trên những cơ sở và tiêu chuẩn khác nhau, tạo ra những mẫu người khác nhau để phần nào đáp ứng được những yêu cầu nhất định của xã hội trong từng mặt, từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Nho giáo đã đưa ra những mẫu người như: bậc thánh, bậc thiện nhân, bậc hữu hằng, bậc thứ tri, bậc thành nhân, kẻ sĩ, kẻ cuồng và kẻ quyến… Nhưng, trong các kiểu phân loại đó, Nho giáo chú trọng nhất đến sự phân loại theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân, trượng phu và thất phu; theo tiêu chuẩn chính trị thành hệ thống tước vị xã hội (gồm vua và hệ thống quan lại); theo tính chất công việc thành người lao lực và lao tâm. Ngoài ra, Nho giáo còn có cách phân loại theo năng lực, theo bản tính trời phú và theo sự tự rèn luyện của con người. Nhưng, xét đến cùng, tư tưởng bao trùm vẫn là đề cao sự phân loại theo tiêu chuẩn đạo đức, vì nó làm rõ được sự đánh giá về con người và khuynh hướng tư tưởng của họ. Cách phân loại đó khiến cho người ta hướng về người quân tử, xa lánh kẻ tiểu nhân, hướng con người đến cái thiện và xa lánh cái ác.
Phân loại con người theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân là cách phân loại đặc trưng nhất, được đề cập đến nhiều nhất trong Luận ngữ. Người ta thường nói, đạo Nho là đạo của người quân tử. Bởi vì, Nho giáo bàn rất nhiều về người quân tử, coi đó là mẫu người lý tưởng, toàn thiện, toàn mỹ nhất. Mọi sự cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức đều nhằm đạt đến danh hiệu cao quý ấy. Đó cũng chính là mục đích mà nền giáo dục Nho giáo hướng tới.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về đạo của người quân tử, như Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng của Phạm Quỳnh; Kinh Dịch - Đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê; Trần Trọng Kim bàn về người quân tử trong cuốn Nho giáo, v.v.. Nhìn chung, các tác phẩm đó đã đề cập tương đối toàn diện về người quân tử và xem xét trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện khác nhau. Nhưng, mặt đối lập với nó là kẻ tiểu nhân thì lại chưa có được một sự quan tâm, tìm hiểu thích đáng, mặc dù việc nghiên cứu về kẻ tiểu nhân sẽ làm nổi bật hơn vai trò và tính cách của người quân tử.
Lúc đầu, quân tử được hiểu là người có địa vị tôn quý, còn tiểu nhân là người dân thường, không có địa vị xã hội. Về sau, nghĩa của từ được dùng rộng ra và theo những tiêu chuẩn đạo đức là chính, khi đó quân tử được coi là người có đức hạnh cao quý, còn tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ, thấp kém. Theo nghĩa đó, người quân tử dẫu bần cùng, khổ sở thì vẫn là người có chí khí quân tử. Kẻ tiểu nhân tuy có quyền cao, chức trọng, cũng vẫn là kẻ tiểu nhân. Khổng Tử nói rằng: "Ăn cơm thô, uống nước suông, co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng có ở trong đó. Còn bất nghĩa mà được giàu sang thì đối với ta chỉ như phù vân" (Phan sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hỹ. Bất nghĩa nhi phú tha quý, ư ngã như phù vân)(1). Tuy cùng học đạo thánh hiền, nhưng có người là Nho quân tử, có người lại là Nho tiểu nhân. Nho quân tử là những người học rộng mà có khí tiết, học đạo thánh hiền mà ăn ở theo bậc thánh hiền. Còn những người học rộng mà không có khí tiết, không có liêm sỉ, học đạo thánh hiền mà không noi gương các bậc thánh hiền thì gọi là Nho tiểu nhân. Với ý nghĩa đó, tiểu nhân không phải toàn là những người không có địa vị xã hội, không có học thức. Những người quyền cao chức trọng nhưng đạo đức kém cỏi, chí khí hèn nhát, mượn tiếng học đạo thánh hiền để mưu cầu danh lợi, luôn nói đạo đức nhưng lại làm toàn những chuyện bất nhân, bất nghĩa thì cũng vẫn chỉ là Nho tiểu nhân mà thôi. Bởi vậy, Khổng Tử khuyên học trò của mình là Tử Hạ chỉ nên làm nhà Nho quân tử, chứ đừng làm nhà Nho tiểu nhân.
Sự phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân không chỉ ở địa vị xã hội, ở học thức, mà cái chính là ở phẩm chất đạo đức, ở phong cách sống và thái độ ứng xử, ở mục đích và lý tưởng sống. Trên phương diện này, tính cách của quân tử và tiểu nhân đối lập nhau hoàn toàn, không thể dung hoà được. Người quân tử luôn tôn cao phẩm giá của mình trong mọi hoàn cảnh. Còn kẻ tiểu nhân trong lúc thái quá hay trong cơn bất cập thường đánh mất nhân phẩm của mình. Trong Luận ngữ, Khổng Tử đã nhiều lần so sánh giữa quân tử với tiểu nhân. Qua sự so sánh đó, có thể rút ra những điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại người này như sau:
Thứ nhất, quân tử là người chuyên cần học đạo thánh hiền, học rộng hiểu sâu, tôn trọng đạo "Trung dung". Còn kẻ tiểu nhân luôn đam mê theo vật dục, trông chờ, nhờ cậy vào người khác và luôn làm trái với đạo "Trung dung".
Theo Khổng Tử, "Người quân tử trông cậy ở mình, tiểu nhân trông cậy ở người" (Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân)(2). Theo ông, con người trước hết phải lo tự mình tạo lập cho bản thân mình trên cơ sở của sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, chịu khó học tập, trau dồi về đạo lý và đức hạnh. Bản thân ông là một tấm gương sáng về sự kiên trì, nỗ lực học tập suốt đời. Ông coi đó là những điều kiện tiên quyết của sự thành đạt, nhưng cũng không bỏ qua sự tác động của những yếu tố khách quan, như "thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Trên cơ sở những phẩm chất tốt đẹp và có chí khí, người quân tử tin tưởng ở bản thân mình, tự mình làm nên sự nghiệp, "dương danh hiển thân". Còn kẻ tiểu nhân, do ý chí nhu nhược nên luôn tìm cách dựa dẫm vào người khác để thoả mãn tham vọng của mình.
Người quân tử do kiên trì, nỗ lực học tập đạo lý nên đức ngày càng cao, hiểu biết đạo lý ngày càng uyên thâm, hành động ngày càng thuần thục, hợp đạo lý. Nhờ đó, người quân tử lập được công danh, sự nghiệp, đạt được địa vị cao trong xã hội, đảm đương những công việc chính trị có hiệu quả. Còn kẻ tiểu nhân, vì lười biếng học tập, tu thân nên không thể tiến bộ được. Kẻ tiểu nhân làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân trước hết nên không được tín nhiệm, nếu có địa vị thì làm việc không có hiệu quả. Khổng Tử đã nhận xét rằng: "Quân tử thông đạt về nhân nghĩa, tiểu nhân thông đạt về tài lợi" (Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt)(3).
Theo Khổng Tử, "Người quân tử thì trung dung, kẻ tiểu nhân thì phản trung dung" (Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung)(4). Người quân tử ham học đạo lý để tiến đức, sửa nghiệp, thông hiểu được cái lý lẽ cao xa, vi diệu, rồi chọn lấy cái vừa phải mà theo. Họ luôn giữ cái tâm của mình ở mức giữa (mức trung), không chao đảo, thiên lệch, không để cho ngoại cảnh cám dỗ mà sa vào tư dục. Khổng Tử từng ca ngợi đạo "Trung dung" thật là tuyệt vời. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng, đã từ lâu, đạo ấy ít được người dân thực hiện. Người trí, người hiền thì chê mà chẳng giữ; người ngu, người thường thì ngán mà chẳng theo. Kẻ tiểu nhân vì chỉ biết cái lợi ích của bản thân nên biếng nhác, xao lãng cái đạo lý cao siêu đó và để cái tâm lệch khỏi đạo. Vì vậy, họ chỉ làm được những việc tầm thường, trái với đức trung dung.
Thứ hai, quân tử trọng nghĩa, phân biệt phải, trái một cách khách quan, công minh, không tư vị. Người quân tử luôn thoải mái, không kiêu căng, hống hách. Còn kẻ tiểu nhân chỉ coi trọng lợi, có lòng tư vị, không chính trực, nên trong lòng luôn lo lắng, không thoải mái. Khổng Tử nói rằng: "Quân tử hiểu rõ nghĩa, tiểu nhân biết rõ lợi" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi)(5).
Đức "nghĩa" là một phạm trù đạo đức quan trọng trong đạo Nho, là một yếu tố cấu thành "ngũ thường". Mạnh Tử coi "nghĩa" là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. Khổng Tử đánh giá rất cao đức "nghĩa" và chủ trương "Quân tử lấy nghĩa làm trên hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn" (Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng, nhi vô nghĩa, vi loạn)(6). Ông kêu gọi "Người quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm" (Quân tử chi ư thiên hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỷ)(7).
Nho giáo không đưa ra một định nghĩa kinh điển nào về "nghĩa". Tuỳ từng hoàn cảnh, đối tượng, mà việc giảng giải về "nghĩa" khác nhau. Tựu trung lại, có thể nói, phạm trù "nghĩa" bao gồm những cái cao thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với nhân và lễ. Làm điều "nghĩa" là để thi hành đạo nhân và giữ gìn lễ tiết. Bởi vậy, "nghĩa" được coi là cái gốc của mọi sự việc, còn người quân tử thì bao giờ cũng phải lấy "nghĩa" làm cái cốt yếu, cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động.
Đối lập với "nghĩa" là "lợi". "Lợi" (được hiểu là lợi ích, quyền lợi) thường gắn liền với tư dục, tham vọng... của con người. Nho giáo cho rằng, chỉ có kẻ tiểu nhân mới tham lợi, vì lợi mà quên cả nhân nghĩa. Khổng Tử so sánh: "Quân tử nghĩ đến đức, tiểu nhân nghĩ đến chỗ ở; quân tử quan tâm đến phép tắc, tiểu nhân quan tâm đến ân huệ" (Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ)(8). Thực chất, cả hai cách xử thế "trọng nghĩa khinh lợi" hay "trọng lợi, coi thường nghĩa" đều bộc lộ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý. Để có thể tồn tại được, người ta không thể không quan tâm đến quyền lợi của mình. Nhưng, nếu người ta quá đề cao nó, tuyệt đối hoá nó, coi lợi ích cá nhân là mục đích, là lẽ sống, là trên hết, thì lại là không đúng, là sa vào chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chỉ biết mình (như quan niệm của Dương Chu). Chủ nghĩa cá nhân sẽ sản sinh ra lối sống thực dụng như ở các nước tư bản hiện nay. Ngược lại, việc đề cao lợi ích xã hội, không quan tâm đến lợi ích cá nhân cũng sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại. Nó sẽ làm mất đi một động lực quan trọng của sự phát triển xã hội, đó là sự đáp ứng những nhu cầu, lợi ích chính đáng của cá nhân. Vì vậy, một quan điểm đúng đắn là phải biết kết hợp hài hoà giữa nghĩa và lợi, không thái quá, cũng không bất cập. Khổng Tử đã cảnh cáo rằng, những người chỉ làm theo lợi thì ắt có nhiều người oán thù. Ông cũng khuyên những người quân tử cầm quyền phải biết quan tâm đến lợi ích quốc gia, cũng như những lợi ích thiết thân của mỗi cá nhân.
Do trọng nghĩa, khinh lợi, làm việc thì công minh, chính trực, không tư vị nên người quân tử lúc nào cũng khiêm nhường, không kiêu ngạo, tâm trạng luôn thư thái và có thể hoà mình được với mọi người. Họ không mưu cầu danh lợi cho riêng mình nên cũng không bon chen, cầu cạnh, đấu đá, tranh giành. Trong phép xử thế, họ luôn giữ đạo "Hành - Tàng", nước có đạo thì ra làm quan, nước không có đạo thì về ở ẩn. Bởi vậy, "Quân tử thì thản nhiên thư thái" (Quân tử thản đãng đãng)(9); "thư thái mà không kiêu căng" (Thái nhi bất kiêu)(10), "hoà hợp chứ không hùa theo" (Hoà nhi bất đồng)(11). Ngược lại, kẻ tiểu nhân vì tham lợi mà làm càn, ích kỷ hại nhân, kéo bè kéo đảng để thực hiện tham vọng của mình, nên tâm trạng luôn căng thẳng, không thoải mái. Kẻ tiểu nhân khi đắc chí thì kiêu căng, cao ngạo; khi thất thế thì lo sợ, tìm đủ mọi cách để dung thân. Vì vậy, "Tiểu nhân thì kiêu căng mà không thư thái" (Tiểu nhân kiêu nhi bất thái)(12) và "Tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu" (Tiểu nhân trường thích thích).
Thứ ba, quân tử là người có đạo đức, nhân nghĩa và muốn phổ cập đạo đức ấy trong thiên hạ. Họ có khả năng làm được những việc lớn, biết dùng người hiền tài, làm việc ngay thẳng, chính trực. Lúc bình thường cũng như trong cơn nguy khốn, họ luôn giữ vững đạo lý. Còn kẻ tiểu nhân thì không thể giúp người làm việc tốt, gặp lúc khốn khó thì hay làm việc càn quấy. Khổng Tử nói rằng: "Người quân tử mà phạm điều bất nhân, thì có; nhưng chưa từng có kẻ tiểu nhân mà làm được điều nhân" (Quân tử nhi bất nhân giả, hữu hỹ phù. Vị tiểu nhân nhi nhân giả giã)(13). Trong thực tế, con người không phải lúc nào cũng sáng suốt, minh mẫn, không phạm sai lầm. Bởi vậy, người quân tử có lúc phạm vào điều bất nhân cũng là dễ hiểu, vì "nhân vô thập toàn". Còn kẻ tiểu nhân thì không thể làm được điều nhân đức, vì họ luôn bị cái tư dục chi phối, luôn ghen ghét và đố kỵ, không muốn ai bằng mình.
Do có đức sáng và có lòng nhân, người quân tử muốn làm toả đức sáng trong thiên hạ. Họ sẵn sàng làm việc tốt và ngăn ngừa việc xấu, giúp mọi người sống đúng theo đạo "luân thường". Khổng Tử đã nhận xét rằng: "Người quân tử giúp người ta làm việc tốt, không giúp người ta làm việc xấu. Còn kẻ tiểu nhân thì trái lại" (Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị)(14).
Quân tử là người có tài năng, có thể làm được những công việc lớn. Cái sáng suốt của nhà cầm quyền là biết dùng người đúng khả năng, đúng công việc. Đối với người có tài đức - ví như người quân tử - thì nhà cầm quyền không nên giao cho họ những công việc nhỏ nhặt, vụn vặt, mà nên giao cho họ những công việc quan trọng. Còn với kẻ tiểu nhân, do tâm lý vụ lợi nên không đảm trách được những công việc lớn, song có thể làm tốt công việc nhỏ.
Dùng đúng người, đúng việc là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, phát huy "sở trường", hạn chế "sở đoản" của mỗi người. Vì vậy, Nho giáo rất coi trọng thuật "dùng người". Theo Khổng Tử, kẻ làm quan tùy tài đức của mình mà thi thố giúp dân, giúp nước, chứ không chờ hội đủ các tài đức. Ông nói với Quý Khương Tử rằng, Trọng Do là người quả quyết, Tử Cống là người thông đạt lý sự, Nhiễm Hữu là người có nhiều tài nghệ… đều có thể ra làm quan được. Khổng Tử sợ nhất là những kẻ “ăn không ngồi rồi”, chẳng dụng tâm làm việc gì. Theo ông, đó là những con người mà xã hội cần phê phán và lên án. Khổng Tử còn nói rằng, người quân tử không bao giờ xa rời đạo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Họ là những con người mà phú quý không thể cám dỗ, nghèo khó không thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục được. Bản thân ông cũng đã nhiều lần gặp cảnh cùng khốn, nhưng đạo lý không hề suy suyển. Còn những kẻ tiểu nhân "cùng khốn thì làm càn" (Tiểu nhân cùng, tư lạm hỹ)(15).
Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản về phương diện đạo đức và chính trị giữa quân tử và tiểu nhân. Đưa ra sự so sánh giữa hai loại người này, mục đích của Nho giáo là tôn cao địa vị, phẩm cách và vai trò của người quân tử, lấy đó làm mẫu người lý tưởng nhất. Mặt tích cực của sự phân loại đó là giúp con người hướng đến cái thiện, đến sự hoàn thiện phẩm giá và nhân cách, đồng thời phê phán và xa lánh cái xấu, cái ác, cái không hợp với đạo lý con người. Quan niệm này thể hiện rõ đạo làm người của Nho giáo. Tuy nhiên, sự phân loại thành quân tử và tiểu nhân cũng chỉ có tính chất ước lệ và tương đối, bởi để đạt đến mẫu người hoàn thiện, hoàn mỹ của Nho giáo không phải là giản đơn. Ngay cả những học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử, như Nhan Hồi, Tử Cống, Tăng Sâm, Trọng Do, Nhiễm Cầu, v.v. cũng chỉ mới đạt được một số tiêu chuẩn nào đó của người quân tử mà thôi. Vì vậy, quan niệm của Nho giáo về người quân tử ít nhiều mang tính không tưởng, phi thực tế. Có những kẻ đã mượn danh quân tử, khoác áo Nho quân tử để làm những việc đồi bại, phi nhân tính. Ranh giới phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân cũng không phải là tuyệt đối và không thể vượt qua được. Mục đích giáo dục của Nho giáo là phổ cập những đức tính và phẩm chất của người quân tử cho tất cả mọi người. Để đạt được mục đích ấy, Nho giáo đã đề xuất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, Khổng Tử và các học trò của ông rất coi trọng việc "tu thân", tự sửa mình. Sự phân loại con người theo những tiêu chuẩn đạo đức như trên thể hiện rõ lập trường giai cấp của Nho giáo. Đó là, nó chỉ quan tâm tới việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của những con người thuộc tầng lớp trên của xã hội, những người có địa vị tề gia, trị quốc và có thể quyết định vận mạng của đất nước./.
--------------------------------------------------------------------------------
(*) Tiến sĩ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
(1) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngữ văn Hán Nôm, t.1 (Tứ thư, bản dịch Luận ngữ, Thuật nhi). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.344.
(2) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.499.
(3) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.476.
(4) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.101.
(5) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.281.
(6) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.532.
(7) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.281.
(8) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.281.
(9) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.347.
(10) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.448.
(11) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.447.
(12) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.448.
(13) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.473.
(14) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.426.
(15) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.496
TRẦN ĐÌNH THẢO
Tags:
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
IMMANUEL KANT TỪ TRIẾT HỌC PHÊ PHÁN ĐẾN NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI
Mặc dù ở giai đoạn tiền phê phán (trước 1770), I. Kant đã xuất hiện như một học giả lỗi lạc trong các lĩnh vực thiên văn học, địa chất học, vật lý học, v.v..., song về triết học, mà trong đó có nhân học triết học, thì phải tới giai đoạn sau - giai đoạn thường được gọi là phê phán, I. Kant mới xuất hiện như là một nhân vật "khổng lồ". Với ba tác phẩm có tựa đề "phê phán"... ("Phê phán lý tính thuần tuý" - 1781, "Phê phán lý tính thực tiễn" - 1788, và "phê phán năng lực phán đoán" - 1790), triết học I. Kant - một kiểu triết học có tư duy độc đáo trong văn hoá Tây Âu, đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức. Và, I. Kant là thuỷ tổ của dòng triết học này.
Khi nghiên cứu kho tàng tư tưởng đồ sộ của I. Kant, người ta đã nhận thấy, gần như ở tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi mà ông đã từng quan tâm, I. Kant đều để lại những di sản quý giá mà đến nay hậu thế vẫn tiếp tục khai thác. Chẳng những thế, cũng gần như ở tất cả các lĩnh vực vực đó, I. Kant đều có những phát kiến tầm cỡ mở đường cho sự phát triển tiếp theo của khoa học. Trong lĩnh vực triết học, đó là triết học phê phán với học thuyết về vật tự nó, về các hình thức tiên thiên của nhận thức, về tính khách quan của tri thức…
Trong lĩnh vực đạo đức học, đó là học thuyết về đạo đức học tiên nghiệm với hệ thống các phạm trù đạo đức tiên nghiệm. Trong lĩnh vực tâm lý học, đó là học thuyết về cái tôi đang tư duy, về sự thống nhất siêu nghiệm của tri giác… Trong lĩnh vực thiên văn học, đó là giả thuyết Kant-Laplace về nguồn gốc vũ trụ, một giả thuyết rất gần với quan niệm về vụ nổ Bigbang sau này, v.v… Điều thú vị là, logic trong sáng tạo của I. Kant ở tất cả các lĩnh vực đó đều bắt nguồn từ việc phê phán cách tiếp cận giáo điều đương thời, chỉ ra sự mâu thuẫn giữa cái duy lý và cái kinh nghiệm trong nhận thức truyền thống; từ đó, I. Kant triển khai quan niệm của mình về triết học phê phán, về nhận thức tiên nghiệm. Cuối cùng, mọi bàn luận đều được lý giải theo quỹ đạo của vấn đề con người và nhận thức con người. Con người với tất cả những khía cạnh phong phú của nó, từ tồn tại sinh học đến ý chí tự do, từ lý tính thuần túy đến lý tính thực tiễn, từ logic tiên thiên đến đạo đức tiên nghiệm, từ cá nhân hữu hạn đến tộc loại siêu cá nhân… - tất cả đều được mổ xẻ ở mức độ rất sâu và thấm đượm tinh thần nhân đạo. (Dĩ nhiên, theo cách của I. Kant). Với I. Kant, con người, đặc biệt con người nhân loại đã chiếm một khối lượng đáng kể trong các luận bàn của ông. "ý niệm nhân loại", theo I. Kant, cái đã bị đánh mất ở nhiều người, phải một lần nữa trở nên thiêng liêng đối với con người - "Tuyên bố vừa kỳ lạ vừa chói tai" này không phải được phát đi từ thế kỷ XX, mà từ Immanuel Kant . Nhưng có lẽ đó vẫn chưa phải là điều thú vị nhất. Khi nghiên cứu I. Kant, với chúng tôi, điều thú vị nhất là vai trò của I. Kant đối với ngành nhân học (anthropology).
Thời gian gần đây, khi nhân học được chú ý như một khoa học hiện đại (và có phần thời thượng nữa) về con người, các nhà nghiên cứu nhân học mới giật mình nhận ra rằng, mặc dù vẫn coi M. Scheler là ông tổ của nhân học, song từ rất sớm trước M. Scheler, chính I. Kant chứ không phải ai khác, là người đầu tiên đã đề xuất và "bảo vệ một cách quyết liệt nhất" việc phân chia nhân học thành một khoa học độc lập . I. Kant coi nhân học là một ngành có đối tượng riêng, có phương thức nghiên cứu riêng, phương thức vượt ra khỏi khuôn khổ của các phương thức nhận thức đã biết. Cũng chính là từ triết học phê phán, khi phân loại các vấn đề nhận thức cơ bản mà con người buộc phải giải đáp, I. Kant đã đi đến khẳng định vị trí của nhân học, ngành khoa học phải trả lời câu hỏi muôn thuở - con người là gì. Và, không biết lúc đó I. Kant có hình dung nhân học lại phát triển một cách mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của con người đến như hiện nay hay không.
1. Sự ra đời của triết học phê phán
Thực ra, không phải chỉ vì các tác phẩm cơ bản của I. Kant ở giai đoạn thứ hai trong cuộc đời sáng tạo của ông có tựa đề là "phê phán" mà giai đoạn này được gọi là giai đoạn phê phán. (Đây là điểm chưa thật chính xác mà một số tài liệu viết về I. Kantơ hiện vẫn còn lý giải như thế). Vấn đề là ở chỗ, triết học I. Kant mang tinh thần phê phán hết sức rõ rệt. I. Kant đã phê phán một cách trực diện và không thương tiếc toàn bộ "linh hồn" của triết học tiền bối, bao gồm cả triết học kinh nghiệm luận của J. Loke, G. Berkeley, D. Hume và cả triết học duy lý của R. Descartes, B. Spinoza, G. Leibniz. Sự phê phán của ông được dựa vào một hệ thống tư tưởng riêng biệt và hết sức độc đáo. Hơn thế nữa, sự phê phán đó cũng phải coi là thật sự có hiệu quả, nếu so với những phê phán đã từng tồn tại trong lịch sử triết học.
Như đã biết, trước I. Kant, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm thống trị trong triết học. I. Kant nhìn thấy rất rõ những điểm hợp lý trong các triết học đó, song ông còn thấy rõ hơn tính chất giáo điều của triết học duy lý và tính chất hoài nghi thiếu cơ sở trong triết học theo kinh nghiệm luận. Những hạn chế này, theo I. Kant, đã trở thành căn bệnh "trầm kha" trong lĩnh vực tư tưởng ở thời đại của ông, làm cho triết học lúc đó rơi vào tình trạng phiến diện và què quặt. Trước thực trạng ấy, I. Kant đặt cho mình nhiệm vụ phân tích có phê phán năng lực nhận thức của con người, giải phóng khỏi nhận thức luận cách tiếp cận đang thống trị lúc đó, mà theo I. Kant là cách tiếp cận giáo điều. Với chủ trương xây dựng một triết học mới thông qua con đường phê phán bằng vũ khí mới của sự phê phán, ở triết học I. Kant đã nảy sinh một cách tiếp cận riêng mà ít lâu sau người ta gọi là cách tiếp cận phê phán. Cũng chính vì thế mà triết học I. Kant còn được gọi là triết học phê phán (Critical philosophy). Đây chính là một nét độc đáo của triết học I. Kant; bởi lẽ, triết học nào cũng ít nhiều sử dụng vũ khí phê phán, nhưng phê phán được nâng thành một phương thức xây dựng tư tưởng, được hệ thống hóa thành một cách tiếp cận riêng thì chỉ có ở I. Kant.
Nguyên tắc cơ bản của cách tiếp cận phê phán và cũng là của toàn bộ triết học phê phán đã được I. Kant nêu trong phần mở đầu xuất bản lần thứ hai tác phẩm "Phê phán lý tính thuần tuý" (The Critique of Pure Reason). I. Kant viết: "Cho đến nay, người ta thường cho rằng hiểu biết của ta cần phải phù hợp với đối tượng. Tuy nhiên, mọi cố gắng thông qua khái niệm để hiểu biết một cái gì đó tiên thiên về đối tượng đều đã kết thúc một cách không thành công. Bởi vì, tri thức của chúng ta về đối tượng đã không được mở rộng. Do đó, cần phải giải thích: phải chăng chúng ta sẽ không giải quyết được một cách tốt hơn nhiệm vụ của siêu hình học, nếu như ta xuất phát từ giả định rằng, đối tượng cần phải phù hợp với nhận thức của ta. Mà điều này lại đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi về khả năng hiểu biết một cách tiên thiên về đối tượng - tri thức cần phải xác lập về đối tượng một cái gì đó sớm hơn là nó đem lại cho ta" .
Rõ ràng, tính chất duy tâm của nguyên tắc mà I. Kant nêu ra là điều không phải bàn cãi. Chẳng những cách đặt vấn đề của I. Kant là duy tâm, mà hơn thế nữa, I. Kant còn cố tình duy tâm tới mức cực đoan để diễn đạt một điều nan giải có thật trong nhận thức: cô lập quá trình nhận thức ở bất cứ điểm nào của nó, chúng ta cũng đều có thể rơi vào sai lầm; và (theo I. Kant) không có quá trình nhận thức nào bắt đầu từ con số không. Bởi vậy, để nhận thức được đối tượng, phải giả định rằng "đối tượng cần phải phù hợp với nhận thức" chứ không phải ngược lại. Bằng cách đó, tri thức buộc phải "xác lập về đối tượng một cái gì đó" (hình ảnh giả định về đối tượng) trước khi đối tượng được phản ánh trong nhận thức ("sớm hơn là nó đem lại cho ta"). Nói thế mới thấy được rằng, lối nhận thức có trước kinh nghiệm (a priori) này quả là có hạt nhân hợp lý của nó.
Cái lộ ra ở đây là cách đặt vấn đề của I. Kant là hết sức độc đáo. Bởi lẽ, như đã biết, vào thời của I. Kant, hai khuynh hướng cơ bản của triết học Châu Âu (chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm) mâu thuẫn gay gắt với nhau và thể hiện ra ở chính mâu thuẫn giữa cái duy lý và cái kinh nghiệm. I. Kant muốn khám phá thực chất của mâu thuẫn này để chỉ ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng phiến diện và giáo điều của triết học đương đại. Trong triết học I. Kant, sự đối lập giữa cái duy lý và cái kinh nghiệm là đối tượng được ông chú tâm giải quyết trong mọi vấn đề, từ nhận thức vũ trụ đến nhận thức con người, từ logic học đến đạo đức học, từ khái niệm tiên thiên đến khái niệm nảy sinh sau kinh nghiệm (a posteriori).
Điều vĩ đại ở I. Kant là ông đã hoàn toàn vượt lên trên và không bị lôi cuốn vào cách giải quyết mâu thuẫn nói trên theo lối tranh cãi kinh viện hoặc thuần túy kinh nghiệm như các nhà triết học đương thời. I. Kant đã bằng chính tư duy phê phán để lập cho mình một hệ thống tư tưởng riêng, với cách hiểu rất dị thường và đúng là có một không hai về các phạm trù: Với I. Kant, không gian, thời gian, nhân quả, các phạm trù logic, các phạm trù đạo đức… hóa ra đều là những "hình thức" có sẵn trong nhận thức, con người sử dụng chúng để làm ra kinh nghiệm chứ không phải chúng được tạo ra từ kinh nghiệm. Vật tự nó (Thing in Itself) là một sáng tạo kiệt xuất của nhận thức loài người thông qua một bộ óc uyên bác cụ thể là Immanuel Kant .
Như chúng ta đã biết, trong triết học Trung cổ và triết học Phục hưng, tâm điểm của hầu hết các luận thuyết triết học là học thuyết về tồn tại. Người ta chú ý đặc biệt đến khía cạnh bản thể luận trong nghiên cứu triết học. Chỉ bắt đầu từ thời kỳ Cận đại, các nhà triết học duy vật Anh, Pháp,... mà tiêu biểu là F. Bacon, R. Descartes, G. Berkeley, D. Hume... mới chuyển trọng tâm của triết học vào những vấn đề nhận thức luận. Tuy vậy, trong số các vấn đề quan trọng của lý luận nhận thức, vấn đề về mối tương quan, sự tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể nhận thức vẫn chưa được chú ý nhiều trong triết học trước I. Kant. Lúc đó, người ta hướng sự phân tích và khám phá vào khách thể của nhận thức.
ở triết học Cận đại thời kỳ trước I. Kant, tính chủ quan trong nhận thức thường được xem như cái ngăn trở, hoặc lực kìm hãm ... đối với khả năng nhận thức của con người trên con đường kiếm tìm chân lý. Người ta cho rằng chính cái chủ quan đã xuyên tạc và làm mờ đi trạng thái hiện thực của thế giới vật thể xung quanh con người (chẳng hạn, nếu ta nhớ lại quan niệm về các Idole trong triết học F. Bacon). I. Kant, cố nhiên cũng tôn trọng những đặc thù của khách thể nhận thức và thấy rõ tác động tiêu cực của tính chủ quan đối với sự nghiên cứu. Nhưng theo I. Kant, đặc thù khách quan của khách thể nhận thức, không chỉ có khả năng quy định cách thức nhận thức mà đồng thời, nó còn có thể kiểm tra năng lực nhận thức của con người. I. Kant không thoả mãn với những quan niệm đã có về tính quy định của khách thể nhận thức. Ông tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải phân biệt các thành phần khách quan với các thành phần chủ quan trong cấu trúc của tri thức ở chính chủ thể theo các trình độ khác nhau của nhận thức. Xuất phát từ đó, một lần nữa I. Kant đã giải thích lại khái niệm chủ thể nhằm tìm ra cách hiểu sâu sắc hơn và cũng độc đáo hơn về nó.
I. Kant đề xuất sự khác nhau giữa hai trình độ của sự nhận thức ở ngay bản thân chủ thể nhận thức: trình độ kinh nghiệm và trình độ siêu nghiệm (transcendent). ở trình độ kinh nghiệm, I. Kant xem xét những đặc thù trong tâm sinh lý cá nhân của con người và sự tác động của chúng đến nhận thức, đến kết quả nhận thức. ở trình độ siêu nghiệm, I. Kant cho rằng nhận thức của con người đã vượt qua sự quy định của những đặc thù cá nhân để hướng tới một bản nguyên siêu cá nhân (transperson - trên cá nhân) nào đó. Với trình độ này, chủ thể nhận thức hiện ra là đại biểu và đại diện cho loài của mình - con người với tính cách là đại biểu của loài. Như vậy, ngay ở mỗi cá nhân, quá trình nhận thức cũng bị quy định và luôn tự phát hướng tới cái siêu nghiệm. Đặc điểm này không phụ thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý riêng biệt của từng cá nhân, mặc dù nó thể hiện ở từng cá nhân; đặc điểm này mang tính khách quan và là biểu hiện của tính tộc loại của con người.
ở triết học Cận đại thời kỳ trước I. Kant, tính chủ quan trong nhận thức thường được xem như cái ngăn trở, hoặc lực kìm hãm ... đối với khả năng nhận thức của con người trên con đường kiếm tìm chân lý. Người ta cho rằng chính cái chủ quan đã xuyên tạc và làm mờ đi trạng thái hiện thực của thế giới vật thể xung quanh con người (chẳng hạn, nếu ta nhớ lại quan niệm về các Idole trong triết học F. Bacon). I. Kant, cố nhiên cũng tôn trọng những đặc thù của khách thể nhận thức và thấy rõ tác động tiêu cực của tính chủ quan đối với sự nghiên cứu. Nhưng theo I. Kant, đặc thù khách quan của khách thể nhận thức, không chỉ có khả năng quy định cách thức nhận thức mà đồng thời, nó còn có thể kiểm tra năng lực nhận thức của con người. I. Kant không thoả mãn với những quan niệm đã có về tính quy định của khách thể nhận thức. Ông tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải phân biệt các thành phần khách quan với các thành phần chủ quan trong cấu trúc của tri thức ở chính chủ thể theo các trình độ khác nhau của nhận thức. Xuất phát từ đó, một lần nữa I. Kant đã giải thích lại khái niệm chủ thể nhằm tìm ra cách hiểu sâu sắc hơn và cũng độc đáo hơn về nó.
I. Kant đề xuất sự khác nhau giữa hai trình độ của sự nhận thức ở ngay bản thân chủ thể nhận thức: trình độ kinh nghiệm và trình độ siêu nghiệm (transcendent). ở trình độ kinh nghiệm, I. Kant xem xét những đặc thù trong tâm sinh lý cá nhân của con người và sự tác động của chúng đến nhận thức, đến kết quả nhận thức. ở trình độ siêu nghiệm, I. Kant cho rằng nhận thức của con người đã vượt qua sự quy định của những đặc thù cá nhân để hướng tới một bản nguyên siêu cá nhân (transperson - trên cá nhân) nào đó. Với trình độ này, chủ thể nhận thức hiện ra là đại biểu và đại diện cho loài của mình - con người với tính cách là đại biểu của loài. Như vậy, ngay ở mỗi cá nhân, quá trình nhận thức cũng bị quy định và luôn tự phát hướng tới cái siêu nghiệm. Đặc điểm này không phụ thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý riêng biệt của từng cá nhân, mặc dù nó thể hiện ở từng cá nhân; đặc điểm này mang tính khách quan và là biểu hiện của tính tộc loại của con người.
Bằng cách đó, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, I. Kant đã đặt ra vấn đề về tính khách quan ở chủ thể nhận thức.
Trong tác phẩm "Phê phán lý tính thuần tuý", một trong những nội dung cơ bản của triết học lý luận được I. Kant nêu ra là: tri thức khoa học chân chính có khả năng đến đâu? Hay, nói theo cách nói của ông là "các mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm xuất hiện như thế nào?" . Với cách đặt vấn đề này, I. Kant muốn tìm xem tư duy khoa học duy lý có những hạn chế của nó hay không? Và để trả lời, I. Kant cụ thể hoá vấn đề này thành ba nội dung riêng biệt: Khả năng của toán học? Khả năng của vật lý học (khoa học tự nhiên)? và, khả năng của siêu hình học (triết học)?
Với ba lĩnh vực tri thức này, I. Kant đã nêu ra ba định hướng quan niệm khác nhau về khả năng của chúng. Ông trình bày quan niệm của mình về tính đặc thù trong khả năng phản ánh, trong cách thức thể hiện thế giới của các khoa học này. I. Kant tin tưởng sâu sắc vào tính chất khoa học của toán học và các khoa học tự nhiên. Ông tìm cách giải thích tính khoa học của các khoa học đó trong sự chi phối và quy định của tư duy kinh nghiệm và của nhận thức ở trình độ kinh nghiệm. Nhưng với siêu hình học, tức là với triết học thì I. Kant đặt câu hỏi liệu siêu hình học nói chung có khả năng tồn tại như là một khoa học hay không? Và, điều thú vị là ông đã trả lời phủ định đối với câu hỏi này. I. Kant viết: "Siêu hình học từ trước tới giờ luôn ở trong tình trạng bấp bênh không đáng tin cậy và mâu thuẫn chỉ bởi một nguyên do là nhiệm vụ (xác định khả năng của tri thức khoa học - HSQ), và thậm chí cả việc tìm ra sự khác biệt giữa các suy lý phân tích và tổng hợp cũng vẫn chưa được ai bàn đến. Sự bền vững hay bấp bênh của siêu hình học là tuỳ thuộc vào sự giải quyết nhiệm vụ này hay ở việc chứng minh rằng trên thực tế, nói chung không thể nào làm rõ được nhiệm vụ trên".
Về tính xác thực của tri thức khoa học, I. Kant cho rằng, xác thực nghĩa là có thể tin cậy được và đó chỉ có thể là tri thức khách quan, tức là mang tính khách quan. Tính khách quan, theo I. Kant, đồng nhất với tính phổ quát và tính tất yếu. Do vậy, tri thức nếu muốn đạt tới sự xác thực thì nó cần phải đạt tới trình độ tất yếu và phổ quát, có giá trị chung mang tính phổ biến (I. Kant đồng nhất cái khách quan với cái có giá trị chung mang tính phổ biến).
Tính khách quan của tri thức, theo I. Kant, được quy định bởi cấu trúc của chủ thể siêu nghiệm, bởi những thuộc tính và phẩm chất siêu cá nhân của chủ thể nhận thức. I. Kant lý giải, mỗi chủ thể đang nhận thức, trong bản tính của mình, luôn vốn có một trình độ nhất định của nhận thức thiên bẩm (tiền kinh nghiệm) thể hiện trong các hình thức thiên bẩm của nhận thức. Các hình thức nhận thức thiên bẩm này chính là trình độ đầu tiên của quá trình nhận thức tiếp cận đến hiện thực (I. Kant đã phân tích rất kỹ về điều này thông qua các khái niệm không gian, thời gian, v.v... - mà ông coi là những hình thức chủ quan, tiền kinh nghiệm của nhận thức cảm tính. I. Kant phân biệt, không gian là hình thức bên ngoài, còn thời gian là hình thức bên trong của kinh nghiệm cảm tính. Các biểu tượng không gian, theo ông, là cơ sở của các tri thức hình học, thời gian - của các tri thức số học và đại số.
Vấn đề là ở chỗ, những tiền đề làm nên tính xác thực của tri thức, theo I. Kant, được tạo ra bởi những hình thức tiền kinh nghiệm của nhận thức cảm tính. Đó là trình độ thứ nhất của nhận thức. Trong quá trình nhận thức, việc hiện thực hoá những tiền đề đó lại được thực hiện nhờ khả năng nhận thức ở trình độ thứ hai - trình độ nhận thức lý tính. ở trình độ này, lý trí - đó chính là tư duy với hệ thống các khái niệm và các phạm trù của mình - đã thực hiện các phán đoán để xây dựng đối tượng nhận thức. Đối tượng không phải là nguồn gốc của tri thức về nó dưới dạng các khái niệm, phạm trù. Mà ngược lại, chính các hình thức của lý trí, tức là các khái niệm và các phạm trù đã tạo nên, đã kiến tạo nên đối tượng của nhận thức. Theo lập luận của I. Kant thì đó chính là cơ sở khiến cho chúng ta có thể đồng ý hay phản đối ý kiến của người khác về đối tượng của sự nhận thức. Hơn thế nữa, đó còn là lý do giải thích tại sao con người lại chỉ có thể hiểu được những gì do nó sáng tạo ra, tức là hiểu được những gì nằm trong phạm vi bao quát của hệ thống phạm trù tiên nghiệm vốn có ở con người. Vượt ra khỏi giới hạn đó, hiện thực thuộc về "thế giới vật tự nó". Với I. Kant, khái niệm và phạm trù sở dĩ mang tính phổ quát và tất yếu, trước hết là vì chúng không phụ thuộc vào ý thức cá nhân (được hình thành bởi kinh nghiệm). Chúng chính là những hình thức siêu nghiệm của nhận thức. Tri thức, vì vậy, theo I. Kant, luôn luôn là cơ sở (là chỗ dựa) cho chính nó. Nó có sẵn dưới dạng các tri thức siêu nghiệm, nó được làm giàu thêm, được phát triển thêm cũng nhờ chính bản thân các tri thức kinh nghiệm và siêu nghiệm. Toàn bộ quá trình đó nằm ngoài và không phụ thuộc vào ý thức cá nhân, cá thể. Theo nghĩa ấy, I. Kant cho rằng tri thức có tính khách quan.
Trong quan niệm của I. Kant, lý tính điều chỉnh tri giác của con người trong suốt quá trình nhận thức, dẫn dắt tri giác vào khuôn khổ của các hình thức tất yếu và phổ quát của nhận thức. Bằng cách đó, lý tính quy định tính khách quan của tri thức. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, cái gì đã tạo ra khả năng đó của lý tính? Tại sao lý tính lại có thể đưa tri giác vào các hình thức tiên nghiệm như vậy? Và, cuối cùng thì cái gì đã gắn kết các phạm trù và các khái niệm vào một chỉnh thể trong hiện thực? I. Kant đã trả lời các câu hỏi này theo quan điểm hết sức nhất quán của riêng mình: tất cả những thao tác đó là do đặc thù của chủ thể quy định. Theo I. Kant, cơ sở sâu xa tạo nên sự thống nhất trong nhận thức luận, mà nếu thiếu sự thống nhất đó thì lý tính không thể thực hiện được chức năng của nó - đó là hành vi tự nhận thức của chủ thể: cái tôi đang tư duy. I. Kant gọi hành vi này là sự thống nhất siêu nghiệm của tri giác hay, sự kết hợp của các tri giác nằm ở ngoài giới hạn của kinh nghiệm.
Như vậy, lý tính, theo I. Kant, cũng là khả năng của chủ thể nhưng ở trình độ rất cao. Khả năng này quy định và điều khiển mọi hoạt động tư duy của con người, thậm chí còn đặt ra mục đích nhận thức cho con người. Còn tư tưởng, trong quan niệm của I. Kant, đó là bản chất siêu cảm giác của sự tồn tại hiện thực của lý tính. Trong nhận thức, dạng sơ đẳng của tư tưởng được hiện hình bằng những quan niệm về mục đích, về nhiệm vụ mà nhận thức của ta tự đặt cho nó và hướng tới nó. Thông qua tư tưởng, lý tính thực hiện chức năng điều chỉnh đối với hoạt động nhận thức và đánh thức chủ thể vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm, vươn tới tri thức tuyệt đối.
Điều cần suy nghĩ ở đây là, có lẽ trong tâm tưởng sâu xa của mình, I. Kant hoàn toàn không hề đánh giá thấp khả năng nhận thức của con người, mặc dù ông cho rằng các khái niệm và các phạm trù, tức là những hình thức của tư duy không có khả năng làm cho chủ thể vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm. Về hình thức thì quan niệm này dường như hạ thấp sức mạnh của tư duy con người, nhưng về thực chất thì quan niệm này lại cho phép nhìn thẳng vào những nan giải to lớn của nhận thức và làm lộ ra mâu thuẫn vốn có thuộc về bản chất của tư duy: trong tư duy, mọi quá trình, mọi vận động… bên ngoài đều được phản ánh dưới dạng các hình thức logic đứng im, chết cứng. Dĩ nhiên, I. Kant là một đại biểu lỗi lạc của chủ nghĩa bất khả tri, nhưng bất khả tri của I. Kant, theo chúng tôi, là bất khả tri ở điểm tận cùng của nhận thức, là bất khả tri của những tham vọng nhận thức và cải tạo không có điểm dừng, không có giới hạn đối với thế giới (những người theo thuyết anthropocentrism ở châu Âu, từ thời cổ đại đến tận ngày nay, vẫn chủ trương coi con người là trung tâm, không thừa nhận giới hạn của sự nhận thức và cải tạo thế giới ). Có thể coi đây cũng là một antinomie thú vị, nếu tính đến những thành tựu vĩ đại trong nhận thức mà chính I. Kant đã đạt được trong cuộc đời khoa học của mình. Một người được xếp vào hàng ít ỏi những cây đại thụ của thuyết bất khả tri, nhà triết học sáng tạo ra khái niệm "vật tự nó" làm cho thuyết bất khả tri bị đẩy đến tận cùng của sự cực đoan, nhưng lại có những phát kiến tầm cỡ "dẫn đường cho nhân loại" cả trong triết học, trong khoa học tự nhiên và trong khoa học về con người.
Bởi thế, những quan niệm của I. Kant về ảo ảnh và về mâu thuẫn mà lý trí mắc phải, về một phương diện nhất định, phải được hiểu là cách thể hiện độc đáo những ước mơ, khao khát của ông hướng tới trình độ sâu sắc hơn nữa của nhận thức con người. Theo chúng tôi, rõ ràng I. Kant quá nhạy cảm và ý thức quá rõ về những giới hạn có thật đối với tư duy và nhận thức. Tuy nhiên, dù chân thành bao nhiêu với việc vạch ra giới hạn nhận thức của con người I. Kant cũng đã từng bị đánh giá là chơi trò "mập mờ nước đôi" (chữ dùng của Albrecht Rau, 1882): dung hoà, thoả hiệp trong nhận thức. Sự phê phán gay gắt (những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) đối với I. Kant từ cả hai phía tả và hữu (duy vật và duy tâm) rõ ràng chẳng phải là chuyện khó hiểu. Hoá ra là, càng muốn vượt lên trên cả hai đường lối triết học bao nhiêu, I. Kant lại càng nhận được kết quả trái với mong muốn của mình bấy nhiêu.
2. Nhân học với khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện
Về lĩnh vực nhận thức con người, khi nghiên cứu triết học I. Kant, người ta cũng có thể thấy rất rõ thái độ trân trọng của ông đối với con người và lý trí con người. Chỉ có điều, là một nhà triết học độc đáo nên việc đề cao con người ở I. Kant cũng rất khác biệt so với các nhà tư tưởng khác. Theo I. Kant, "thế giới vật tự nó" là thế giới dành cho cảm giác.
Do vậy, thế giới đó đóng kín đối với lý tính và đối với khoa học. Tuy thế, theo cách giải thích của I. Kant, đối với "thế giới vật tự nó", con người không phải là tuyệt nhiên không thể vươn tới được. Bởi lẽ, con người, trong quan niệm của I. Kant, luôn sống trong cả hai thế giới - thế giới mà cảm giác có thể đạt tới và thế giới mà trí tuệ có thể đạt tới (còn gọi là thế giới khả giác và thế giới khả niệm).
Thế giới mà cảm giác có thể đạt tới, theo I. Kant, đó là giới tự nhiên. Còn thế giới mà trí tuệ đạt tới - đó là thế giới của tự do. Tự do trong quan niệm của I. Kant là một trạng thái mà ở đó, con người hoàn toàn không bị lệ thuộc vào những nguyên nhân tiền định nào đó vốn có trong thế giới có thể cảm giác được. Tự do là khả năng tiên nghiệm đặc biệt cho phép giác tính con người hoạt động độc lập với các quy luật tất yếu của tự nhiên trong lĩnh vực hiện tượng luận, nó tồn tại một cách tương đối trong lĩnh vực hiện tượng luận. Trong biên giới của tự do, hành động và hành vi của con người không bị chi phối bởi lý tính lý luận mà bị chi phối bởi tính thực tiễn. Lý tính được gọi là thực tiễn, theo I. Kant, là lý tính mà ý nghĩa chủ yếu của nó là điều chỉnh hành vi con người. Động lực của lý tính thực tiễn không phải là tư duy, mà là ý chí của con người. I. Kant gọi ý chí của con người là vương quốc của sự tự trị. ở đây, ý chí của con người được quy định không phải bởi các nguyên nhân bên ngoài, tức là những nguyên nhân thuộc về tính tất yếu của giới tự nhiên hoặc những nguyên nhân thuộc về Thượng đế. Theo I. Kant, ý chí của con người được quy định bởi những quy luật, luật lệ vốn có của riêng nó. Đó là những quy luật, luật lệ mà ý chí tự đặt ra cho bản thân mình.
Như đã nói ở trên, chính I. Kant chứ không phải ai khác, là người đầu tiên đã đề xuất và "bảo vệ một cách quyết liệt nhất" việc phân chia nhân học thành một khoa học độc lập. Trong so sánh với các lĩnh vực tri thức đã được xác lập, I. Kant coi nhân học, mà trước hết là nhân học triết học (philosophical anthropology) là một ngành có đối tượng riêng của mình, có phương thức nghiên cứu riêng của mình. Theo P.S. Gurevich, “nhà nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người” , thì "I. Kant là người đầu tiên của nền triết học châu Âu khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học. Để khám phá bí ẩn của con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý nghĩa đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền thống - bản thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch sử triết học, đạo đức học, thầm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội, triết học lịch sử”.
Tư tưởng đề cao tính đặc thù của con người, coi con người là một thực thể bí ẩn, độc nhất vô nhị, vượt ra ngoài khả năng khám phá của các công cụ nhận thức truyền thống, kể cả bản thể luận và nhận thức luận, kể cả logic học, đạo đức học và thẩm mỹ học, kể cả triết học tự nhiên, triết học xã hội và triết học lịch sử… là một tư tưởng rất độc đáo, trước I. Kant chưa từng được phát biểu một cách tường minh trong kho tàng tri thức nhân loại (Diogiene và Socrate tuy dường như cũng có nói đến sự bí ẩn của đời sống con người, song các ông hướng tới khám phá sự bí ẩn đó bằng các công cụ duy lý của tư duy trừu tượng). Với I. Kant, tính bí ẩn và độc nhất vô nhị của sự tồn tại người được khẳng định là vượt ra ngoài khuôn khổ của nhận thức duy lý; bởi vậy, nhận thức con người là nhằm luận giải những hiện tượng cá nhân đầy bản sắc, những hành vi và hoạt động phức tạp của con người trong các thiết chế xã hội đã từng tồn tại trong lịch sử. Tư tưởng này về sau được S. Kierkegaard, F. Dostoievski, M. Heidegger, H. Rickert, M. Scheler, J. Sartre cùng một số nhà triết học hiện sinh khác khai thác và phát triển thêm làm lộ ra rõ hơn tính hợp lý của nó. Với sự ứng dụng ngày càng sâu hơn của thông diễn học (heurmernetics), tư tưởng này càng được thể hiện và được chứng minh là một hướng đi rất chủ yếu trong nhận thức con người với tất cả tính phức tạp của đối tượng này - con người, một thực thể vừa sinh học vừa xã hội, vừa cá nhân vừa tộc loại, vừa vật chất trần tục vừa tinh thần thiêng liêng…
Vấn đề là ở chỗ, với I. Kant, nhận thức con người cũng có nghĩa là nhận thức thế giới; chỉ có thông qua con người, các vấn đề của nhận thức thế giới mới được giải quyết. I. Kant viết: "Mục tiêu của tất cả những thành tựu văn hoá mà con người học được là ứng dụng những tri thức và những kinh nghiệm đã thu nhận được vào thế giới. Nhưng đối tượng quan trọng nhất trong thế giới mà những tri thức này có thể ứng dụng được - đó là con người, chừng nào con người còn là mục đích tự thân cuối cùng" . Khi xác định nhiệm vụ cho triết học, I. Kant tự đặt cho riêng mình 4 câu hỏi mà về sau người ta hiểu đó là 4 nội dung cơ bản của toàn bộ nhận thức con người:
Vấn đề là ở chỗ, với I. Kant, nhận thức con người cũng có nghĩa là nhận thức thế giới; chỉ có thông qua con người, các vấn đề của nhận thức thế giới mới được giải quyết. I. Kant viết: "Mục tiêu của tất cả những thành tựu văn hoá mà con người học được là ứng dụng những tri thức và những kinh nghiệm đã thu nhận được vào thế giới. Nhưng đối tượng quan trọng nhất trong thế giới mà những tri thức này có thể ứng dụng được - đó là con người, chừng nào con người còn là mục đích tự thân cuối cùng" . Khi xác định nhiệm vụ cho triết học, I. Kant tự đặt cho riêng mình 4 câu hỏi mà về sau người ta hiểu đó là 4 nội dung cơ bản của toàn bộ nhận thức con người:
1. Tôi có thể biết gì?
2. Tôi có thể làm gì?
3. Tôi có thể hy vọng gì?
4. Con người là gì?
2. Tôi có thể làm gì?
3. Tôi có thể hy vọng gì?
4. Con người là gì?
Theo I. Kant, nhiệm vụ trả lời câu hỏi thứ nhất thuộc về nhận thức luận. Câu hỏi thứ hai dành cho đạo đức học. Câu hỏi thứ ba dành cho tôn giáo và thần học, đòi hỏi tôn giáo phải cắt nghĩa những hy vọng thực tế và phi thực tế của con người. Và cuối cùng, nhiệm vụ trả lời câu hỏi thứ tư thuộc về nhân học - nhân học, mà ngay trong cách đặt vấn đề của I. Kant cũng đã được phân biệt rạch ròi với nhận thức luận, với đạo đức học và với tôn giáo. Rõ ràng, đây là một kiểu phân loại hết sức độc đáo mà trước đó, khoa học, tôn giáo và triết học thường có thái độ loại trừ nhau, không thừa nhận tiếng nói và vị thế của nhau trong đời sống tinh thần con người. Cách phân loại của I. Kant đặt lại vấn đề về ý nghĩa của sự tồn tại người trong chính nhận thức. Hơn thế nữa, I. Kant còn chỉ rõ thực chất của sự nhận thức thế giới nói chung đối với con người, hoá ra lại chính là, nhận thức con người; I. Kant viết: "Về thực chất, toàn bộ điều đó (4 câu hỏi và sứ mệnh trả lời 4 câu hỏi ấy) có thể quy giản về nhân học. Bởi vì, ba vấn đề đầu tiên thuộc về vấn đề cuối cùng".
Kể từ I. Kant, nhân học triết học nói riêng và đặc biệt, các ngành nhân học thực nghiệm khác đã có những bước tiến rất dài trong nhận thức về con người và đời sống con người. Ngày nay, nhắc đến nhân học người ta rất ít nói về I. Kant, nhưng quả thực công lao của ông đối với ngành khoa học này thì khó có thể phủ nhận.
*
* *
* *
Nói tóm lại, với tất cả những gì vừa trình bày ở trên, chúng tôi muốn nói rằng, triết học I. Kant hoàn toàn có thể được coi là điển hình cho triết học của những nét đặc thù và độc đáo. Cố nhiên, nói triết học I. Kant là độc đáo thì cũng cần phải nói thêm là, khi đã ở tầm một nhà triết học của nhân loại, hầu như nhà triết học nào cũng đều có những nét đặc thù và độc đáo trong hệ thống triết thuyết của riêng mình. Tuy vậy, trong lịch sử triết học, khó có nhà triết học nào lại độc đáo và đặc thù đến như I. Kant.
Tính độc đáo của triết học I. Kant, trước hết được thể hiện ở hệ thống tư tưởng của ông. Tuy thế, ngoài hệ thống tư tưởng với các học thuyết về "vật tự nó", về hệ thống các phạm trù logic, hệ thống các phạm trù đạo đức học, về vai trò và vị trí của nhân học, và về bản thân các phạm trù mà chính I. Kant đã xây dựng nên, v.v... triết học I. Kant còn độc đáo ngay cả ở cách đặt vấn đề, cách thức trình bày, và thậm chí cả ở tên gọi các tác phẩm của ông... Sự độc đáo của triết học I. Kant trên thực tế đã từng khiến cho việc xếp loại, đánh giá những tư tưởng của ông trở nên đặc biệt khó khăn.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến một đánh giá mới nhất về I. Kant - đánh giá của Stephen W. Hawking, nhà vật lý học nổi tiếng đương đại. S. Hawking cho rằng I. Kant là người đứng ở đỉnh cao nhất trong số các nhà triết học vĩ đại của nhân loại - những người coi "toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh vực của họ". S. Hawking phàn nàn: "thế kỷ XIX và XX, khoa học trở nên quá kỹ thuật và quá toán học đối với các nhà triết học nói riêng và nói chung là đối với nhiều người trừ một số ít chuyên gia rất sâu". Điều đó đã làm cho các nhà triết học giới hạn các câu hỏi của mình lại đến mức triết học chỉ còn là "phân tích ngôn ngữ". Và, S. Hawking nhận xét: "thật là một thoái trào lớn khỏi truyền thống lớn lao của triết học từ Aristote đến I. Kant".
Chúng tôi không hoàn toàn tán thành nhận xét của S. Hawking. Song, những đánh giá của ông về I. Kant thì lại rất đáng phải suy nghĩ.
PGS,TS. Hồ Sĩ Quý
Viện Nghiên cứu con người
Tags:
TRIẾT HỌC THẾ GIỚI
ẢNH HƯỞNG CỦA TRIẾT HỌC ĐÊCÁCTƠ TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
Muốn hiểu rõ giá trị của triết học Đêcáctơ không gì bằng đem học thuyết ấy đặt vào trong tiến trình chung của lịch sử triết học. Khi so sánh nó với những hệ thống triết học khác trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại, chúng ta sẽ thấy rõ những đóng góp và hạn chế của nó.
Nhà triết học có ảnh hưởng lớn đến R.Đêcáctơ là Arixtốt. Chính Arixtốt đã đem lại cho ông niềm tin ở lý trí con người. Những nguyên tắc nền tảng để xây dựng phương pháp nghiên cứu, ông cũng đã mượn của Arixtốt. Cái vũ trụ quan trọng làm nền móng cho triết học siêu hình của ông cũng lại là một công trình sáng tạo của Arixtốt. Chính vì vậy, khi đọc các tác phẩm của Đêcáctơ, chúng ta cần hiểu rõ địa vị thiết yếu đặc biệt của "Nguyên tắc đồng nhân” cái được coi là "tinh hoa" trong triết học Arixtốt, và cũng có thể coi là “tinh hoa" của hầu hết các trường phái triết học xưa nay.
Coi vũ trụ là đồng nhất, Arixtốt đã đặt niềm tin ở lý trí con người. Ông cho rằng một khi trời đất đã không thay đổi, hay ít ra đã có những bản thể không thay đổi, thì do đó, con người có quyền hy vọng tìm được chân lý, miễn là khi suy luận tránh được những sự mâu thuẫn. Để tìm được những kết quả đồng nhất, Arixtốt đã đưa vào trong hệ thống triết học của ông phép tam đoạn luận. Áp dụng nó vào việc nghiên cứu vũ trụ và xã hội, ông đã để lại cho đời sau những cống hiến khoa học lớn lao.
Nhưng tiếc thay, cái "tinh hoa" quý giá do Arixtốt truyền lại ấy chẳng bao lâu đã bị chìm đắm vì Giatô giáo. Trong hơn một nghìn năm, Châu Âu cúi đầu phục tùng nền tư tưởng huyền bí có cội rễ trong Kinh thánh. Những cống hiến khoa học trong triết học Arixtốt đều phải hứng chịu sự phê phán của sức mạnh niềm tin tôn giáo. Với ý đồ xoay hẳn triết học về một hướng khác, tôn giáo đã pha trộn học thuyết duy lý của Arixtốt với nhưng lời dạy của Kinh thánh thành một mớ giáo lý huyền bí, viển vông, độc đoán, vừa viện đến lý trí, vừa dựa vào lòng tin, lấy linh hồn để giảng nghĩa thân thể, lấy tinh thần để chứng thực vật chất, nâng nguyên tắc đồng nhất và tam đoạn luận lên thành mục đích tối cao của triết học mà không coi đó là phương pháp. Bằng cách đó, tôn giáo đã kìm hãm tư tưởng trong giáo đường, hạ lý trí xuống thành tôi tớ cho lòng tin mù quáng và huyền bí, đem tôn giáo vào tất cả những lĩnh vực hoạt động của trí tuệ.
Song, đến thế kỷ XVI, các giáo lý tôn giáo ấy ngày càng ít có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và đời sống kinh tế xã hội. Một cuộc cách mạng lớn trong đời sống tinh thần, trong tiến trình phát triển tư tưởng nhân loại đã diễn ra.
Phản ánh cuộc cách mạng ấy về tinh thần là phong trào mà người ta gọi là cuộc Phục hưng. Tư tưởng bị lung lay mạnh, con người bừng tỉnh giấc mơ phong kiến và hoảng hốt đi tìm những chân lý mới. Khoa học rời bỏ giáo đường để tìm vào những tư gia. Các nhà thông thái đầu tiên, những ông thầy thuốc có học đã nhận thấy không thể đem linh hồn để giảng nghĩa cho vật chất, rằng thế giới vật chất có những quy luật riêng của nó. Không cần đến tam đoạn luận, không dùng đến Kinh thánh, người ta mò mẫm tìm kiếm những điều bí ẩn trong tự nhiên. Từ Car-dan, Ferrari, Neper... số học tiến hoá nhanh chóng lạ thường. Với những phát minh khoa học mới, nhiều quan niệm trước đây bị lật nhào, chẳng hạn như quan niệm về trái đất và bầu trời trong Kinh thánh, về cơ thể động vật, cách tổ chức của thực vật trong sinh học. Ngay trong giáo đường cũng có sự chia rẽ. Năm 1520, giáo sĩ người Đức - Lutther đã sáng lập nên phái Giatô cải cách để chống lại những điều phi lý của nhà thờ.
Thế kỷ XVII, trong những năm đầu tiên, người ta đã được chứng kiến cuộc thái bình. Thái bình trở lại, thì tư tưởng con người cũng thay đổi nhiều. Nhưng phát minh của các nhà khoa học vẫn tiếp tục nở rộ, đáng chú ý nhất là các phát minh của Giatô. Trong bối cảnh ấy, triết học của R.Đêcáctơ đã ra đời và phát triển. Trong hệ thống triết học Đêcáctơ, chúng ta thấy, khởi điểm của phương pháp, cũng như của siêu hình học là niềm tin không bờ bến vào giá trị của những khoa học. Hệ thống triết học ấy được R.Đêcáctơ triển khai theo hai khuynh hướng: khuynh hướng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Giatô giáo và khuynh hướng chịu ảnh hưởng của những phát minh khoa học mới.
René Descartes (1596-1650)
R.Đêcáctơ được nuôi dạy trong hệ thống triết học kinh viện, ngay từ nhỏ đã được hít thở cái siêu hình học bị pha trộn của Arixtốt, song lại phải khép nép sống dưới bóng cây thập giá, do vậy, ông đã không dám (hay không biết thì đúng hơn...) thoát ra khỏi hệ tư tưởng ấy. Chính vì vậy, mặc dù những tư tưởng của ông có táo bạo đến đâu, cũng chỉ là táo bạo trong phạm vi do người xưa đặt sẵn. Ông muốn bước sang những chân trời mới, nhưng không biết đi về hướng nào, bởi phía nào cũng thấy bị chặn bởi nhưng lời dạy trong Kinh thánh. Và do vậy để bảo vệ giá trị khoa học, R.Đêcáctơ chỉ còn biết tin vào Thượng đế. Đề lý giải mọi sự thay đổi, ông viện đến nguyên tắc nhân quả - một biến thể của luật đồng nhất. Để tìm nguyên nhân vũ trụ, ông đưa ra những ý niệm về vô hạn.
Như vậy, có thể nói, triết học của R.Đêcáctơ vừa là siêu hình học, vừa là vật lý học. Những lập luận có tính xác thực và khoa học của ông luôn pha lẫn với sự diễn địch trừu tượng. Vì thế đã có người coi hệ thống triết học của ông là hệ thống đứng giữa ngã ba đường.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong hệ thống triết học của R.Đêcáctơ không có những viên ngọc quý. Ngược lại, đó là một hệ thống được tạo nên với nhiều viên ngọc quý.
Viên ngọc quý nhất trong hệ thống triết học Đêcáctơ là niềm tin vô tận vào lý trí, khoa học và nhữngphươngpháp mới. Với niềm tin ấy, ông tỏ rõ thái độ chán ghét những cuộc cãi vã viển vông và sai lầm của các môn phái cũ. ông muốn triết học phải rõ ràng và xác thực. Do chưa phân biệt rõ triết học với các khoa học khác như chúng ta ngày nay nên ông chủ trương xây dựng một phương pháp chung cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của trí tuệ.
Thật ra, hơn hai nghìn năm về trước, Arixtốt cũng đã có niềm tin ấy - niềm tin ở lý trí. Triết học Arixtốt là một thứ triết học duy lý với nhiều cái hợp lý. Nhận thấy điều đó R.Đêcáctơ chủ trương đưa triết học trở về với hệ thống triết học do Arixtốt tạo ra. Khi phê bình R.Đêcáctơ, nhà triết học Đức - Hêgen cho rằng R.Đêcáctơ là người đã sáng lập ra nền triết học Cận đại xét về phương diện lấy tư tưởng làm căn bản. Anh hưởng của nhà triết học này trong thời đại của ông và trong nhưng thời đại mới là hết sức lớn lao. Ông là một bậc anh hùng, có công xây dựng lại triết học từ đầu và đem lại cho nó một vị thế xứng đáng, làm cho nó trớ về với vị thế ấy sau khi đã lầm lạc hàng nghìn năm đó là vị chế của lý tính thuần tuý.
Do trình độ khoa học thời bấy giờ, R.Đêcáctơ mới chỉ nhìn thấy vai trò của phương pháp số học. Ông đề cao tính cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng của các lý thuyết, quy luật số học và cách thức mà nó điều khiển các con số. Và do vậy, ông hy vọng mở rộng các lý thuyết, quy luật và phương pháp đó sang việc nghiên cứu những hiện tượng diễn ra trong trời đất và trong tâm lý con người.
Viên ngọc quý thứ hai mà R.Đêcáctơ để lại cho đời sau là những nguyên tắc cơ bản của phương pháp. Sau Bêcơn, R.Đêcáctơ đã tìm cách xây dựng một hệ thống phương pháp luận mới làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học. Ông chủ trương xây dựng môn "logic dạy cách vận dụng lý tính một cách tốt nhất nhằm nhận thức những chân lý" mà con người còn chưa tìm ra. Đặc biệt đề cao vai trò của lý tính, phương pháp luận của ông hướng tới hoàn thiện và phát triển khả năng trí tuệ của con người, thúc đẩy nhận thức khoa học phát triển. ông cho rằng một ai đó "dù đi rất chậm, nhưng nếu anh ta đi đường thẳng, vẫn có thể vượt xa so với những ai mặc dù chạy nhưng lai không đi theo con đường thẳng ấy".
Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp luận Đêcáctơ là : Thứ nhất, chỉ được coi là chân lý những gì được cảm nhận một cách rõ ràng, hiển nhiên, không chút nghi ngờ. Thứ hai khi nghiên cứu bất cứ sự vật nào cũng phải chia nó thành các bộ phận và nhận thức các bộ phận ấy. Thứ ba, trong nhận thức phải xuất phát từ cái đơn giản đến cái phức tạp hơn. Thứ tư, không được bỏ sót một dữ kiện nào trong quá trình nhận thức.
Tin ở lý trí, lại biết dùng lý trí đó nên trong siêu hình học Đêcáctơ, người ta đã tìm thấy một viên ngọc quý thứ ba - đó là quan niệm của ông về vật chất. Ông cho rằng cái vật chất đã vượt ra ngoài phạm vi của cái tâm lý. Song, vì chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, chưa dám và cũng không thể bác bỏ những giáo lý trong Kinh thánh để nói rằng cái vật chất có ảnh hưởng đến cái tinh thần, quyết định cái tinh thần, nên ông chỉ mới phân biệt linh hồn với thể xác. ông cho rằng thế giới vật chất là một thế giới riêng biệt và nó chỉ tuân theo những luật của vật chất, và do vậy, nhưng ai muốn nghiên cứu vũ trụ thì cần phải rời bỏ hết những thành kiến của linh hồn. Điều đó cho thấy, cơ giới luận theo khuynh hướng duy linh luận của R.Đêcáctơ có chứa những mầm mống duy vật, hay ít ra cũng là một miếng đất tốt cho nhưng mầm mống ấy mọc lên.
Các nhà triết học cùng thời với R.Đêcáctơ không lầm khi nhận định như vậy về hệ thống triết học của ông. Chẳng hạn, Pascal - một con chiên thành kính, trọng đức tin và khinh thường lý trí, khi phê phán ông đã cho rằng không thể tha thứ cho R.Đêcáctơ được, bởi ông ta chủ trương không cần đến Thượng đế hích cái hích đầu tiên vào thế giới để làm cho thế giới đó xoay chuyển.
Nhân sinh quan triết học của R.Đêcáctơ cũng đượm một niềm tin khoa học, niềm tin vào lý trí như siêu hình học của ông. Đọc lại những phương châm hành động mà ông khuyên mọi người nên tuân theo, chúng ta thấy không ở chỗ nào ông bàn về Thượng đế như một người có tôn giáo cả, và vì thế có người cho rằng, Thượng đế trong quan niệm của ông là Thượng đế "vô thần". Với R. Đêcáctơ, Thượng đế là có thực. Bới theo ông, dưới bất cứ hình thức nào, trong mỗi con người đều luôn có ý niệm về Thượng đế. Song, Thượng đế trong quan niệm của ông Thượng đế có trí tuệ, tượng trưng cho sự hoàn hảo và tối cao tuyệt đối, có vai trò định hướng và đem lại niềm tin cho con người trong nhận thức, cũng như trong mọi ước vọng. Ông coi con người như một sự liên kết nhờ Thượng đế, ở con người, linh hồn và thể xác là hoàn toàn tách biệt, vì “bản chất của thực thể tinh thần hoàn toàn không phụ thuộc vào cơ thể" con người.
Đọc triết học của R.Đêcáctơ, cần phải biết phân biệt những tư tưởng cấp tiến với những tư tưởng bảo thủ, những tư tưởng khoa học với những tư tưởng siêu hình. Nếu coi triết học của ông là một công trình sáng tạo tự nhiên, thì khó có thể hiểu hết ý nghĩa của nó. Trái lại, phải coi triết học ấy như là kết quả của những thay đổi lớn trong xã hội Tây âu thời Phục hưng mới thấy được vì sao R.Đêcáctơ được coi là người "đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng triết học" Tây Âu Cận đại, một kỷ nguyên mới trong triết học, kỷ nguyên của ánh sáng, của lý trí, của cái lý trí nhân đạo và đại đồng.
Sau R.Đêcáctơ, trong lịch sử tư tưởng Châu Âu, đã diễn ra hai khuynh hướng: Khuynh hướng tiếp tục siêu hình học của ông và khuynh hướng hai tiếp tục những phát kiến khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý học và sinh lý học. Trong chủ nghĩa duy lý, khuynh hướng thứ nhất quan tâm tới việc làm nổi bật tính chất tiên thiên của lý trí; khuynh hướng thứ hai, trái lại, chỉ chú trọng thuyết minh rằng lý trí có giá trị. Khuynh hướng thứ nhất đi vào thế giới tinh thần, khuynh hướng thứ hai đi sâu vào thế giới vật chất. Khuynh hướng thứ nhất tạo ra những triết lý siêu hình của Malebransơ, Spinôda, Lépnít, khuynh hướng thứ hai để lại dấu ấn ở hầu hết các khoa học hiện đại.
Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến khuynh hướng thứ hai, vì nó có những kết quả dễ thấy và bền vững. Cội rễ của nó, nói cho đúng, không phải ở triết học Đêcáctơ, mà ở cái nguồn gốc phục hưng đã nổi dậy ngay khi xã hội phong kiến bắt đầu lung lay và nền tư tưởng đượm màu sắc tôn giáo bắt đầu đổ nát. Những nhà triết học của thế kỷ XVII - XVIII đã tiếp tục công việc mà R.Đêcáctơ và những nhà thông thái thời Phục hưng còn bỏ dở. Nhưng nhà triết học Pháp - R.Đêcáctơ có công lớn vạch rõ đường lối cho những người đi sau. Ông đã chứng thực được giá trị của khoa học và của nhưng phương pháp mà xưa kia người ta tìm ra một cách mò mẫm. Ông đặt nhưng phương pháp ấy lên vị trí cao không kém gì tam đoạn luận. Ông đưa những nhà triết học vào thế giới vật chất và cấm họ không được lạc sang thế giời huyền bí nhưng viển vông của tinh thần. Ông quả quyết rằng vũ trụ và thể xác con người chỉ là những cỗ máy tinh vi, có hoạt động nhưng không có ý thức.
Cơ giới luận của R. Đêcáctơ là một trong nhưng nguyên nhân chính dẫn đến chủ nghĩa duy vật máy móc trong hai thế kỷ XVIII và XIX. Những bác sĩ kiêm triết học như Leroi, Lametri, Cabanis đã áp dụng phương pháp của R. Đêcáctơ để nghiên cứu về thân thể. Leroi còn đám quả quyết rằng linh hồn chỉ là một trạng thái của thân thể, còn tư tưởng cũng vận động như thế giới vật chất. Kết quả của những cuộc tìm kiếm ấy trong giới y học đã hình thành khoa thực nghiệm y học sau này.
Nói đúng hơn, cội nguồn của chủ nghĩa ấy không chỉ là cống hiến khoa học trong triết học Đêcáctơ, mà còn là nhưng tư tưởng triết học của Ph. Bêcơn - ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm (C.Mác).
Hai trào lưu duy vật này - một do R.Đêcáctơ khởi xướng, một do Ph. Bêcơn đề xuất đã được dung hoà bởi nhà triết học khai sáng Pháp - G.Ô.Lametri và sau đó được P.Hônbách kết hợp thành một. Tất cả các nhà triết học duy vật Pháp thế kỷ XVIII như Ph.M.Vônte, Đ.Điđơrô... đã làm cho triết học Pháp thế kỷ XVIII hoàn toàn nghiêng về phía duy vật máy móc.
Thực thế, môn đồ của R.Đêcáctơ về phương điện siêu hình, ngoài những Giáo sĩ ở Port Royal, đáng kể ở Pháp chỉ có Malebransơ - người coi trí tuệ con người là một phần của Thượng đế. Sau Malebransơ, triết lý siêu hình rời đất Pháp chuyển sang Hà Lan và Đức. Spinôda và Lépnít là hai nhà triết học nổi danh đã kéo dài cái phần huyền bí trong triết học Đêcáctơ tới Cantơ.
Với ý đồ xem xét lại các quan niệm triết học truyền thống trên tinh thần phê phán, Cantơ cho rằng nhiệm vụ phê phán này của lý tính tư biện thuần tuý là thay đổi phương pháp nghiên cứu trước đây trong siêu hình học. Ông cũng cho rằng khoa học thực sự phải dựa trên nhưng tri thức tiên nghiệm với hai đặc trưng cơ bản là phổ quát và tất yếu. Song do chưa thoát ra khỏi quan niệm siêu hình, Cantơ coi mọi sự vật trong thế giới chỉ tồn tại dưới dạng đơn nhất và cá biệt. Và khi đi theo khuynh hướng duy lý của R.Đêcáctơ, Cantơ đã khẳng định vai trò đặc biệt của tri thức lý luận đối với khoa học và coi đó là nền tảng của quá trình nhận thức chân lý.
Với quan niệm đó, khi chủ trương thực hiện "một cuộc cách mạng .triệt để" trong siêu hình học, Cantơ "lột trần" siêu hình học cũ và thuyết minh rằng trước khi bàn đến Thượng đế, linh hồn, vũ trụ, người ta phải tự xem xét trí tuệ của mình xem nó hành động thế nào và có giá trị bao nhiêu đã. Theo ông, vấn đề tri thức phải trở thành vấn đề lớn nhất của siêu hình học. Song, khi trả lời câu hỏi này, ông lại cho rằng lý trí không có giá trị gì hết và khi đã đưa nó lên đến nhưng chóp núi cao nhất thì ta cũng chỉ có thể biết được những hiện tượng bề ngoài mà không thề biết được cái bên trong của nó - "vật tự nó".
Sau Cantơ, Hêgen đã đem lý trí ra xem xét lại một lần nữa và đi đến kết luận: Lý trí nếu cứ tuân theo quy luật đồng nhất, thì nó mới bất lực, vì khi ấy, nó chỉ biết đến cái tĩnh. Trái lại, nếu nó không sợ những sự mâu thuẫn mà biết suy luận một cách năng động, thì sẽ nắm được chân lý. Đánh giá cao chủ trương xây đựng một hệ thống phương pháp luận mới, một logic học mới của R.Đêcáctơ, Hêgen đã cố gắng xây dựng một hệ thống logic học mời trên cơ sở tiếp thu những mặt tích cực của logic học trước đây, đồng thời khắc phục những hạn chế của nó, xuất phát từ nhu cầu phát triển của bản thân khoa học này nhằm đem lại cho con người cách nhìn nhận mới về bản chất của tư duy, đưa lại cho con người một phương pháp luận triết học làm nền tảng cho mọi khoa học khác. Đó là phép biện chứng với tư cách là học thuyết về sự phát triển.
Có thể nói, sau Cantơ, trong lịch sử tư tưởng triết học còn nảy sinh nhiều trường phái khác, nhưng trường phái có quan hệ với triết học Đêcáctơ, có lẽ, chỉ có triết học Hêgen. Và sau đó, khi tiếp thu những hạt nhân hợp lý cả trong triết học Đêcáctơ lẫn trong triết học Hêgen mà không cần vin vào một Thượng đế tối cao nào đó cũng chứng thực được giá trị của trí tuệ con người, không quay về những học thuyết mơ hồ, huyền bí cũng giảng nghĩa được vũ trụ, con người và xã hội đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng đã C.Mác và Ph.Ăngghen khởi xướng - một chủ nghĩa duy vật lấy "vận động" làm gốc và lấy những "quy luật biện chứng” làm phương pháp.
Trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học, đã có không ít những sự phê phán nhằm vào hệ thống triết học của R.Đêcáctơ, vào siêu hình học của ông, nhất là vào lập trương nhị nguyên luận của ông trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề của triết học và khoa học. Song khuynh hướng tư tưởng của ông, từ lập trường nhị nguyên luận trong Cogito, ergo và siêu hình học đến lập trường nhất nguyên duy vật trong vật lý học và sinh lý học, cho thấy sự trăn trở của nhà tư tưởng Pháp vĩ đại trong việc xây dựng một hệ thống triết học và khoa học thật sự khi mà ảnh hưởng của các thế lực tôn giáo trong xã hội vẫn còn rất mạnh. Công lao vĩ đại của R. Đêcáctơ đặt ra hàng loạt vấn đề lý luận đối với sự phát triển của triết học và khoa học sau này đó là điều không thể phủ nhận. Ông mãi xứng đáng với tư cách là người "đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng triết học”, Tây Âu Cận đại.
Lê Thanh SinhTạp chí Triết học
Tags:
TRIẾT HỌC THẾ GIỚI
THUYẾT NHÂN, ÁI THÔNG, HÒA CỦA NHO NHA
Lễ kỷ niệm 2550 năm ngày sinh Khổng Tử sẽ được tổ chức long trọng tại quê hương ông - Khúc Phụ vào tháng 10/1999, nhưng từ đầu quý 11, các nhà nghiên cứu đã lần lượt viết bài trên các báo về ý nghĩa, giá trị của Nho học thời đại hiện nay. Bài viết sau đây là một ý kiếm trong số nói trên.
Học thuyết nhân của Nho gia có thể gọi là học thuyết nhân, ái, thông, hòa. Đó là tinh hoa của Nho học và tinh hoa này có thể cung cấp cơ sở tư tưởng quan trọng cho sự chuyển đổi và phát triển cao hơn của văn minh nhân loại.
Khổng Tử quy định nội hàm của nhân là ái nhân (yêu người). Còn Mạnh Tử cho đó là lòng trắc ẩn hoặc gọi là lương tâm. Nhân là một loại tình yêu của loài người, là sự đồng tình rộng lớn. Con người sinh ra trong tình yêu lớn lên trong tình yêu, bởi thế tất nhiên có lòng yêu, chỉ khác nhau ở rộng, hẹp, mạnh, yếu mà thôi. Nếu mất lòng yêu thì con người ấy cũng không còn nhân tính. Lòng nhân ái là viên đá làm nền cho mọi hành vi đạo đức. Bồi dưỡng ái tâm, mở rộng ái tâm là công trình nền tảng xây dựng văn minh, đạo đức. Đối với xây dựng luân lý phổ biến mà nói, nhiệm vụ cấp bách nhất, khó khăn nhất là mở rộng ái tâm ra toàn nhân loại. Thông thường, người ta không khó thực hiện yêu gia đình, yêu dân tộc, yêu quốc gia, yêu đồng đao song khó hơn là vượt khỏi những giới hạn đó để yêu nước khác, yêu dân tộc khác bởi vì họ cảm thấy quan niệm và quyền lợi hai bên có xung đột hoặc cách xa nhau quá, không liên quan gì với nhau. Thực ra lợi ích chung của nhân loại càng ngày càng lớn hơn mâu thuẫn và chia rẽ giữa họ do vậy, đề xướng tình yêu nhân loại càng có tính tất yếu. Nho gia nhấn mạnh “người trong bốn biển đều là anh em" coi thiên hạ như một nhà thì đời sống xã hội của loài người mới tiến tới hòa bình, ổn định.
Khổng Tử cho rằng kẻ nhân yêu người phải thể hiện bằng đạo trung, thứ. Nói theo cách khắng định thì đó là "kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân" (bản thân muốn đứng được trong xã hội thì cũng làm cho người khác đứng vững, bản thân muốn việc gì cũng thông suốt thì làm cho việc của người cũng thông suốt như thế), như vậy là trung. Nói theo cách phủ định thì “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình cũng không muốn thì chớ có đùn cho người khác) vậy là thứ. So với trung thì thứ có tính nền tảng và phổ biến hơn, là mực thước tối thiểu để xã hội loài người duy trì được trật tự bình thường. Đạo trung, thứ của Nho gia dùng tương đối nhiều vào việc tu dưỡng đạo đức cá nhân ngày nay, chúng ta nên mở rộng trung, thứ thành chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc chính trị giữa các dân tộc và quốc gia khiến cho trung, thứ khắp thế giới. Đặc biệt, đạo trung, thứ cần được thực hiện trong hành vi chính trị có như thế thì mọi tranh chấp quốc tế và xung đột ở từng miền mới dễ dàng giải quyết hoặc tránh được như vậy có lợi cho tất cả mọi người.
Đạo trung, thứ cần phối hợp với học thuyết thông hòa với hai quan niệm cơ bản: một là hòa, hai là thông. Hòa là sư thể hiện tinh thần nhân ái khi xử lý những khác biệt giữa con người, thông là con đường để thực hiện hòa. Không Tử nói: "Lê chi dụng, hòa vi qúy”. Quy định về lễ có làm người ta khác nhau nhưng không nên khiến người ta xa lánh, đối kháng nhau, mà nên giữ được quan hệ hài hòa giữa những sự khác nhau đó. Đạo nhân ái không đưa cái đơn phương cho người. không đòi hỏi người khác sống theo kiểu của mình mà tôn trọng tính đặc thù, tính độc lập của người khác, khiến đôi bên không đối kháng nhau mà phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Quan niệm hòa của Nho gia là một quan niệm đạo đức phù hợp nhất với nhân tính. Đó cũng là một quan niệm văn hóa và một quan niệm chính trị, bởi Nho gia chủ trương khoan đung về đạo đức đa dạng về văn hóa, hòa bình về chính trị. Nhờ quan niệm chủ hòa ấy của Nho gia mà Trung Quốc có truyền thống khoan dung, đôn hậu tốt đẹp, trong lịch sử từng có bách gia tranh minh. Nho và Đạo bổ trợ lẫn nhau ba đạo Nho, Phật, Lão dung hợp với nhau, không có bi kịch chiến tranh đổ máu vì tín ngưỡng bất đồng luôn giữ được thế cộng đồng đoàn kết, thống nhất giữa nhiều dân tộc. Đó chính là nhờ có cống hiến của Nho gia.
Quan niệm thông được nêu ra nhằm đối ứng với trạng thái tắc. Thông là đánh thông, liên hệ, bình đắng, cởi mở, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Chu dịch cho rằng tinh thần dịch có thể "cảm hóa, thông suốt khắp thiên hạ". Một nhà tư tưởng thời cận đại là Đàm Tự Đồng có làm sách Nhân học, trong đó ông viết: " Thông là nghĩa đầu tiên của nhân là thông”, “hình tượng của thông là bình đẳng". Thông có bốn nghĩa: một là "thông trong, ngoài”, hai là "thông trên, dưới", ba là "thông nam, nữ", bốn là "thông người, ta”. Người nhân đương nhiên yêu người nhưng không thông thì chưa thật sự yêu. Xã hội tắc mà không thông thì nhất định là xã hội nghèo nàn, lạc hậu, ngu tối, tuy có ý nguyện yêu thương đấy nhưng không thực hiện được. Còn xã hội khai thông thì tất nhiên công, thương phát đạt chính trị thông dân chúng hòa, văn hóa, giáo dục phồn vinh, tự do bình đẳng. Cho nên mới có nhận định: "Phân biệt nhân và không nhân thì cần xem thông hay tắc". Từ đó có thể thấy rằng, quan niệm thông bao gồm cả dân chủ hóa về chính trị, quốc tế hóa về kinh tế, đa dạng hóa văn hóa, bình đẳng về nhân cách đạo đức. Từ góc độ luân lý mà xét, thông vừa là một thái độ đạo đức, vừa là phương pháp thực tiễn của đạo đức, thông có tinh thần hiện đại hơn cả những yêu cầu khác của đạo đức. Hòa là mục tiêu, thông là biện pháp thực hiện, vì hòa mà thông, thông rồi sau đó mới hòa, hai đằng kết hợp với nhau không thể cắt chia. Không thông hiểu thì không thực sự hài hòa được.
Ngày nay, vận dụng thông vào văn hóa tức là dùng đối thoại về văn minh để thay thế xung đột về văn minh, mở rộng giao lưu, học tập lẫn nhau cùng chung sức giữ gìn sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống tinh thần trên toàn thế giới. Vận dụng thông, hòa vào đạo đức nhân loại tức là phá bỏ tính hẹp hòi thích gây họa cho người, mở rộng lòng yêu nước, yêu dân tộc mình tới nước khác, dân tộc khác, thực hiện bác ái thực sự: ít nhất cũng uốn nắn lại tâm lý thù hận dân tộc hoặc nhóm người.
Thuyết nhân, ái, thông, hòa của Nho gia còn nên mở rộng thành triết học sinh thái nhân loại thời nay, dùng để xử lý mối quan hệ giữa xã hội loài người và hoàn cảnh tự nhiên. Nho gia hủ trương mở rộng lòng yêu đến vạn sự, vạn vật, để xuất tư tưởng "người nhân là cùng một thể với vạn vật trong thiên hạ". Người có lòng nhân thì tâm của họ không chỉ tương thông với nhân loại, mà còn tương thông với động vật và thực vật. Tấm lòng bác ái ấy là một phần không thể thiếu làm nên sự phát dục lành mạnh của nhân tính.
Như vậy, thuyết nhân, ái, thông, hòa của Nho gia có thể đạt tới ba loại hài hòa: hài hòa giữa người và thiên thiên, hài hòa giữa người với người, hài hòa trong nội tâm của con người. Ba loại hài hòa này gắn liền với hạnh phúc mai sau của nhân loại. Bởi vậy, đó là một học thuyết vĩ đại, xứng đáng được toàn thế giới tôn trọng và quan tâm, khiến cho học thuyết đó phát huy được tác dụng vốn có trong cuộc sống hiện thực.
Mậu Trung GiámTạp chí Tia sáng
Tags:
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
MẠNH TỬ VÀ QUAN ĐIỂM NHÂN NGHĨA
Giáo sư Francois Jullien, Chủ tịch Viện quốc tế triết học là tác giả 10 tập chuyên luận so sánh triết học Trung Hoa và triết học Âu Châu đặc biệt chú ý là những công trình: xác lập cơ sở cho đạo đức, đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia khai sáng (Grasset, 1995)… làm nổi bật vai trò cơ bản của triết học trong đối thoại giữa những nền văn hóa, đưa ra một phương pháp luận so sánh văn hóa Đông - Tây mới mẻ có thể trình bày vắn tắt như sau: “hiểu lý trí Châu Âu từ lý trí Trung Hoa và ngược lại”, “suy tư Trung Hoa bằng Châu Âu và ngược lại”. Sau đây là bản dịch Chương I của công trình xác lập cơ sở cho đạo đức.
Một ông vua băn khoăn không biết mình có đủ tài đức để bảo hộ dân chúng gây dựng nên nghiệp vương không. Để nhà vua tin ở khả năng của mình, một nhà hiền triết gợi nhắc lại một giai thoại về chính nhà vua. Một hôm vua đương ngồi trong đền bỗng thấy một người lôi một con bò qua cửa đền, con vật bị đưa đến noi hiến tế nó sẽ bị giết, đặng lấy máu làm lễ bôi chuồng. Trước bộ dạng nhớn nhác của con vật, giống như một kẻ vô tội bị giải tới nơi nhục hình, nhà vua không nỡ, bèn ra lệnh thả nó ra. Một viên quan hỏi: "Bỏ lệ lấy máu bôi chuồng sao"? Vua trả lời: "Sao lại bỏ? Hãy đem con dê mà thế vào”!
Chỉ chừng ấy, nhà hiền triết kết luận đủ để thấy rằng nhà vua có khả năng gây dựng nghiệp vương. Tuy vậy, giai thoại được kể mới nghe tưởng chừng như chọc vào nhà vua: với ý kiến đem con dê thay cho con bò, nhà vua bị chê là hà tiện và chính nhà vua chống chế một sự quy kết như vậy cũng thừa nhận cách xử sự của mình có chỗ không ổn. Bởi lẽ vì sao tha cho con bò mà lại không tha cho con dê, con này chẳng cũng vô tội như con kia hay sao? Nhà hiền triết lại phải làm sáng tỏ cái gì đã diễn ra trong lòng dạ nhà vua, điều này những người xung quanh và bản thân nhà vua không nhận biết được: nhà vua đã đề nghị một cách vô tư thay con bò bằng con dê, chẳng qua là vì ông đã "nhìn thấy" vẻ xớn xác của con bò còn con dê thì ông không "nhìn thấy". Đích thân ông được chứng kiến sự khủng khiếp của con bò: nó xuất hiện ra đột ngột trước mắt ông mà ông chẳng có một dự phòng vào cả, trong khi đó số phận của con dê ở ông chi là một ý niệm. Một ý niệm vô danh, trừu tượng và do đó không có hiệu quả Không có tác động của sự hiện diện mặt đối mặt - mắt nhà vua đã trợn ngược nhìn thấy sự khủng khiếp của con bò và từ đó không nhắm lại dược nữa. Chính vì vậy việc con dê bị làm vật hy sinh không làm cho nhà vua xao xuyến , trước sau ông xem sự việc này cũng là lẽ thường vậy. Còn đối với con bò, sự nhìn thấy đủ làm cho ông xúc động và tình lý trong nội tâm ông trong chốc lát bị xao động. Như vậy, nhìn chiều sâu, sự không nhất quán trong cách ứng xử mà nhà vua lấy làm hổ thẹn trên thực tế lại bộc lộ một phẩm giá đáng quý ở ông: nhà vua "không nỡ” đứng "nhìn" sự đau khổ, ông không thể làm một người chứng kiến dửng dưng với số phận của kẻ khác, ngay cả khi kẻ khác đó là một con vật. Và phản ứng trực tiếp này của lòng không nỡ đủ để chứng tỏ tâm hướng đạo đức của ông.
Giai thoại nói trên được thuật lại theo lời của Mạnh Tử, một nhà triết học Trung Hoa thế kỷ IV trước CN. Mạnh Tử khái quát hóa: "Người quân tử đối với chim chóc và thú vật, đã trông thấy chúng nó sống thì chẳng nỡ nhìn xem chúng nó chết, đã nghe chúng kêu la thì chẳng nỡ ăn thịt chúng nó". Châm ngôn này làm tôi nhớ đến: những con vịt thời bé chúng tôi đem thả vào một cái bể to, chúng tôi thích thú xem chúng nô giỡn, rồi một hôm một con chó cắn chết chúng và chúng tôi không nỡ đem vặt lông nấu ăn. Nhưng nhân danh cái gì mà không nỡ? Cái gì đã ngăn giữ chúng tôi không làm thịt những con vịt, sức mạnh nào đã đưa vào kinh nghiệm sống, sự phân định ranh giới cần thiết này, ranh giới này cũng tương đối thôi nhưng cuối cùng thi không thể chối từ được (và tác động của nó, một khi được minh định, trở thành điều căn cốt, hệ trọng). Tiếp theo giai thoại, Mạnh Tử có nhận xét "người quân tử nên ở xa nhà bếp và nơi mổ lợn, mổ gà" (nói một cách khác, lò sát sinh cần đặt nơi xa khuất). Nhận xét này xen vào đây (dễ bị lầm tưởng như một thành kiến của loại người sang trọng cao đạo) thực ra nhấn mạnh điều này: một khi có âm mưu đối với một sinh tồn khác (ngay cả một sinh tồn động vật) một khi có tác động của sự đối diện với sụ hiện hữu (dù là trong chốc lát) của một sinh tồn khác. Ta không thể nào dửng dưng được. Cũng phải thấy rằng trong lĩnh vực này, ví dụ được nêu lên không đơn thuần là một sự minh họa, nó có vai trò như hòn đá thử vàng: về chủ đề được tranh cãi quá nhiều này của đạo đức. chí có kinh nghiệm là bảo đảm cuối cùng và là căn cứ để sàng lọc các lý lẽ. Dĩ nhiên qua kinh nghiệm phải nắm được đạo đức trong sự căn cốt của nó và sự kiện được nêu lên phải là sự kiện không chối cãi được. Chính vì vậy Mạnh Tử có ý thức đưa ra một tình thế có tính điển hình: thấy một đứa trẻ con sắp té xuống giếng , ai cũng động lòng kinh sợ, thương xót, chạy bổ đến cứu đứa bé. Mà họ hành động như vậy "không phải vì tình giao kết với cha mẹ đứa trẻ mà muốn cho được thân thích hơn; cũng không phải vì muốn cho hàng xóm, bằng hữu khen tặng mình, lại cũng không phải vì tránh tiếng xấu là người bất nhân. Những đặc điểm của lòng không nỡ trước sự bất hạnh của người khác là: không có sự tính toán, không có sự nghĩ ngợi nào và sự phản ứng có tính chất tự phát. Không có lợi lộc nào xen vào động cơ, hành động cứu trợ ở ngoài sự giám sát của ý chí. Một tình thế như vậy đáng được nêu lên làm tình thế mẫu. Nó phơi trần ra một cách ứng xử tuyệt đối vô tư, trong đó cái cá nhân bị vượt qua: bất thần tôi không chủ động được nữa, tôi không làm chủ những cứu cánh ích ký của mình được nữa, chinh là bản thân sự sinh tồn, qua tôi, đương trỗi dậy vì người khác.
Như vậy được phơi bày ra ở trạng thái tự nhiên và tức thì điều mà không một lý lẽ nào có thể bác bỏ. Chứng cứ là những điều thuộc tập quán cổ xưa mà Mạnh Tử thuật lại, người đời xưa chưa có lệ chôn cất cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời, họ đem bỏ xác xuống hố. Ít hôm sau, đi qua, họ thấy chồn cáo xâu xé những cái thây, ruồi nhặng và ròi bọ đục khoét: toát mồ hôi trán, họ chỉ ngó nghiêng, không dám nhìn thẳng... Mồ hôi rịn ra trên mặt, "đó chẳng phải là tại họ xấu hổ với người khác", Mạnh Tử bình luận, sự phản ứng là từ sâu thẳm lòng họ. Họ bèn quay về nhà, mang thúng mủng cuốc xẻng tới, họ đào đất mà lấp thây cha mẹ. Việc mai táng, Mạnh Tử kết luận, không chỉ là một ước lệ: nó bộc lộ một mối liên hệ giữa các sinh tồn mả ngay cái chết cũng không xóa bỏ được. Mạnh Tử còn đưa ra một điều tế nhị là đối với những người đã "hóa thân" không để cho đất cát,chạm da. Chúng ta không nỡ dửng dưng trước những gì đe dọa người khác ngay cả khi họ đã chết.
Những ví dụ như vậy khiến ta nghĩ đến tính phổ biến của nguyên tắc "Người ta ai cũng có lòng thương xót, lòng chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác" (Đ.T.C Mạnh Tử, t.thượng tr.273) từ đó Mạnh Tử suy ra: đem tấm lòng chẳng nỡ ấy (đối với người khác) phổ cập đến những điều mình còn nỡ (còn đang tâm đối với người khác), đó là "nhân" vậy. Cá nghĩa là đối với ai cũng vậy, có cái gì đó khiến mình, trong cơn hoạn nạn của người khác, không thể dửng dưng và gây ra phản ứng. Sự không dửng dưng này có nghĩa là ta không thể nào bình thản, “thoải mái", yên ổn" đứng trước nhũng gì bất hạnh đến với người khác (đối chiếu với cảm giác "bất an" trong lương tâm mà Khổng Tử đã từng nói đến). Đồng thời còn có khá nhiều điều bất hạnh trong cuộc sống người khác mà ta còn dửng dưng, thậm chí không hề quan tâm. Từ quan điểm Trung Hoa, luân lý đạo đức không đặt ra định đề nào cả, cũng không đưa ra giới luật và lời dạy nào cả, chẳng qua nó chỉ là sự mở rộng này: sự triển khai phản úng không nỡ (không chịu đụng nổi) tới tất cả những gì ta vẫn nỡ (vẫn đành chịu) trước sự cùng khốn của con người.
Mặt khác, với ai cũng vậy, có "những điều mình chẳng làm" (tức là mình không thèm làm): đem triển khai, mở rộng ý thức chẳng chịu làm, không thèm làm này tới những điều (đáng chê trách) mà mình vẫn cứ làm, đó là "nghĩa" vậy. Trên thực tế người không thèm "khoét vách", “trèo tường” để ăn trộm hàng xóm rất có thể giống nịnh hót nhà vua, không còn biết chính trực là gì nữa: "lúc chẳng nên nói thì lại thưa thốt" hoặc "lúc đáng nói thì lại ngậm miệng”. Sự bất lương "thưa thốt, ngậm miệng" này thực ra là cùng một "ruột" với sự ăn trộm trắng trợn nhất. Ngược lại, với kẻ "có khả năng khuyếch sung hình thức lương tâm ngăn ngừa trộm cắp" thì nguồn nghĩa ở anh ta là "vô tận".
Sự mở rộng này như là một nhân tố cấu thành của ý thức đạo đức được thực hiện theo hai chiều: trong bản thân chúng ta nó là sự triển khai của lòng không nỡ thỉnh thoảng ta cảm nhận được trước sự cùng khốn của người khác tới toàn bộ kinh nghiệm sống của chúng ta (hoặc đó là sự triển khai của những điều ta có sự quan tâm tới những người khác sang tất cả những gì ta chưa có sự quan tâm tới họ hoặc đó là sự triển khai tình cảm không chịu làm, không thèm làm tới tất cả những điều đáng chê trách mà ta vẫn cứ làm), ở ngoài chúng ta. nó là sự triển khai hướng tới những người khác, từ người gần nhất đến người xa nhất, bằng sự khuy ếch trương, bằng động tác của gương mẫu nêu lên cho họ (trước hết là gương mẫu được nêu lên từ bậc thiên tử). "Đẩy tới" (hoặc "triển khai"), "mở rộng khuyếch trương" (hoặc "khuyếch sung") đó là những chức năng then chốt trong sách Mạnh Tử. Bởi lẽ ý thức đạo đức cũng giống như ngọn lửa “nhen nhúm sắp cháy bùng", như dòng suối "phát tích sắp lưu thông". Chính vì vậy chỉ mỗi sự phản ứng không nỡ ở nhà vua lần ông thấy vẻ xốn xác của con bò bị lôi đi tới nơi hiến tế- miễn là tình cảm không nỡ này được khuyếch sung đầy đủ cũng đủ để nhà vua bình thiên hạ.
Hoàng Ngọc Yến
Tạp chí Tia sáng
Tạp chí Tia sáng
Tags:
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
"NHÂN" TRONG LUẬN NGỮ CỦA KHỔNG TỬ
Nho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử (551 - 479 TCN) là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất.
Lịch sử hình thành, phát triển của Nho giáo với nội dung, tính chất và vai trò lịch sử của nó luôn là đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu lý luận. Dường như mỗi một bước tiến mới của lịch sử thì từng vấn đề trong nội dung của Nho giáo lại được đề cập, xem xét lại và được đánh giá một cách đầy đủ hơn, đúng đắn hơn. Có thể nói, một học thuyết ra đời cách đây hơn 2.500 năm đã được sự kiểm chứng của thời gian thì giá trị của nó về mặt lý luận và thực tiễn là điều chúng ta không dễ bỏ qua. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ muốn góp thêm tiếng nói về một khía cạnh mà, theo chúng tôi, mang tính tích cực và có ý nghĩa đối với chúng ta trong thời đại ngày nay. Đó là tư tưởng "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử.
Khái niệm "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử được đề cập ở rất nhiều tác phẩm, nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới nội dung của khái niệm này trong Luận ngữ. Luận ngữ là tác phẩm ghi lại lời bàn luận giữa Khổng Tử và các học trò của ông. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, tác phẩm này do nhiều người ghi và ra đời sớm nhất cũng là sau khi Khổng Tử đã mất chừng bảy mươi hoặc tám mươi năm. Chính vì vậy mà nhiều điều do Khổng Tử nói ra đã không được các học trò của ông ghi lại đầy đủ. Điều đó khiến chúng ta gặp không ít khó khăn khi nghiên cứu tư tưởng của Khổng Tử. Trong Luận ngữ có nhiều khái niệm được lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn như khái niệm "Nhân"- 109 lần, khái niệm "Người quân tử"- 107 lần, khái niệm "Lễ" - 74 lần, khái niệm "Đạo", 60 lần. Do đó, trong giới nghiên cứu đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về nội đung của các khái niệm này.
"Nhân" trong Luận ngữ của Khổng Tử là một trong những khái niệm nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhất. Có người cho "Nhân" là nội dung cơ bản của Luận ngữ và là tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử. Có người lại cho rằng "Lễ" mới là nội đung cơ bản của tác phẩm và có người còn coi cả "Nhân" và "Lễ" đều là nội dung cơ bản của tác phẩm. Theo chúng tôi, quan niệm coi "Nhân" là nội dung cơ bản của Luận ngữ, là tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử - đó là quan niệm chính xác, đúng đắn. Chúng tôi đồng ý với quan niệm này không phải là đồng ý với nghĩa là khái niệm "Nhân" được nhắc tới nhiều lần trong tác phẩm, mà chính là vì xuất phát từ hiện thực lịch sử của Trung Quốc lúc bấy giờ, Trung Quốc khi đó là thời kỳ mà "Chiến tranh là phương thức phổ biến để giải quyết mâu thuẫn và quyền lợi, địa vị đương thời". Trong thời đại của Khổng Tử, các tầng lớp thống trị, một mặt, dùng chiến tranh để tranh giành quyền lợi, mặt khác, sử dụng chiến tranh để lôi kéo kẻ sĩ, sai khiến họ bầy mưu tính kế nhằm thu phục thiên hạ và giành quyền bá chủ cho mình. Đứng trước tình hình xã hội như vậy, các kẻ sĩ muốn dùng đạo của mình để cải tạo xã hội và Khổng Tử cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Suốt cuộc đời mình, Khổng Tử luôn quan tâm tới vấn đề này. Ông nói: "Ta 15 năm tuổi để chí vào việc học (đạo), 30 tuổi biết tự lập (tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo điều lễ mà làm), 40 tuổi không nghi hoặc nữa (tức có trí đức nên hiểu rõ ba đức nhân, nghĩa, lễ), 50 tuổi biết mệnh trời (biết được việc nào sức người làm được, việc nào không làm được), 60 tuổi đã biết theo mệnh trời, 70 tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý". Với một con người suốt đời "học không chán, dạy người không mỏi", lúc nào cũng chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời và giúp cho đời ổn định thì đó phải là người có lòng nhân rộng lớn biết bao.
Trong Luận ngữ, khái niệm "Nhân" được Khổng Tử nhắc tới nhiều lần và tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh mà "Nhân" được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa sâu rộng nhất "nhân" là một nguyên tắc đạo đức trong triết học Khổng Tử. “Nhân" được ông coi là cái quy định bản tính con người thông qua "lễ", "nghĩa", quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc đến ngoài xã hội. "Nhân" có quan hệ chặt chẽ với các phạm trù đạo đức khác trong triết học Khổng Tử để làm nên một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ và do vậy, đã có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm thì "Nhân" là tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra cái bản chất nhất trong bản tính con người. "Nhân" cũng có thể hiểu là "trung thứ", tức là đạo đối với người, nhưng cũng là đạo đối với mình nữa. Trong một cuộc nói chuyện với các học trò Khổng Tử đã nói: Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả. Về điều này, Tăng Tử - một học trò của Khổng Tử cho rằng, Đạo của Khổng Tử là "trung thứ". "Trung" ở đây là làm hết sức mình, còn "thứ" là suy từ lòng mình ra mà biết lòng người, mình không muốn điều gì thì người cũng không muốn điều đó. "Trung thứ" là sống đúng với mình và mang cái đó ứng xử tốt với người.
Dù trong Luận ngữ có nhiều sự giải thích khác nhau về "Nhân", song sự giải thích trong thiên "Nhan Uyên" là có tính chất bao quát hơn cả. Có thể nói, ở đây "Nhân" trong quan niệm của Khổng Tử là "yêu người" (Luận ngữ, Nhan Uyên, 21). Nếu nhìn toàn bộ tư tưởng của ông, phải xem nội dung trên là tiêu biểu cho điều "Nhân". "Nhân" là "yêu người", nhưng người nhân cũng còn phải biết "ghét người". Với Khổng Tử thì chỉ có người có đức nhân mới biết "yêu người" và "ghét người". Khổng Tử nói: "Duy có bậc nhân mới thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi" (Luận ngữ, Lý nhân, 3).
Có người cho rằng, "Nhân" (người) trong "ái nhân" (yêu người) là chỉ con người trong giai cấp thống trị và yêu người trong tư tưởng Khổng Tử chỉ là yêu người trong giai cấp phong kiến. Thực ra, khái niệm "Nhân" (người) mà Khổng Tử dùng ở đây là để đối với "cầm thứ'. Do đó, đi liền với "Nhân" (người) là các khái niệm "thiện nhân", "đại nhân", "thành nhân", "nhân nhân", "thánh nhân", "tiểu nhân"... Các khái niệm này nhằm chỉ những con người có tính cách khác nhau, trình độ đạo đức khác nhau. "Thánh nhân" là người có đạo đức cao siêu, "tiểu nhân" là người có tính cách thấp hèn… "Nhân" ở đây là chỉ con người nói chung và "ái nhân" là yêu người, yêu bất cứ người nào, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ.
Trong Luận ngữ, có chỗ Khổng Tử không dùng khái niệm "Nhân" (yêu người), nhưng nội dung thể hiện ở đó lại thấm đượm tình yêu thương cao cả. Qua những trường hợp sau có thể thấy rõ. Có lần một học trò của Khổng Tử là Tử Du hỏi về “hiếu”, Khổng Tử trả lời: "Điều hiếu ngày nay chỉ có nghĩa là có thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến loài chó ngựa cũng đều được nuôi, nếu không có lòng kính thì làm thế nào phân biệt được". "Hiếu” ở đây vừa có ý nghĩa là nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ, vừa phải có lòng kính yêu cha mẹ, yêu thương rất mực đối với cha mẹ. Lại một lần khác, Khổng Tử xong việc ở triều đình về, nghe nói chuồng ngựa cháy, câu đầu tiên ông hỏi là: có ai bị thương không và không nói gì tới ngựa cả. Điều đó cho thấy, ông quan tâm đến sinh mệnh con người (dù đó là những người hầu hạ) hơn là sự sống còn của ngựa (tức là của cải). Tư tưởng "Nhân" là "yêu người" của ông thực sự đã được thể hiện ra mọi nơi, mọi lúc.
Coi "Nhân" là "yêu người", trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dành không ít lời để nói về đạo làm người. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về "Nhân", Khổng Tử đã nói: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?" (Luận ngữ, Nhan Uyên, l). Trọng Cung - một học trò khác của Khổng Tử hỏi về "Nhân", Khổng Tử cho rằng, những cái gì mà mình không muốn thì đừng đem thi hành cho người khác - đó là đức hạnh của người nhân (Xem: Luận ngữ, Nhan Uyên, 2). Còn khi Phàn Trì hỏi về "Nhân", Khổng Tử giảng giải rằng, “khi ở nhà thì giữ diện mạo cho khiêm cung, khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ đức trung thành. Dẫu có đi đến các nước rợ Di, Địch cũng chẳng bỏ ba cái đó, như vậy là người có đức nhân" (Luận ngữ, Tử Lộ, 19). Người nhân trong quan niệm của Khổng Tử còn là người phải làm cho năm điều đức hạnh được phổ cập trong thiên hạ. Năm điều đức hạnh đó là: cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Ông nói: "Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tín thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn, siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân, bố đức, gia huệ thì mình sai khiến được người" (Luận ngữ, Dương Hoá, 6). Không chỉ thế, người nhân, theo Khổng Tử, còn là người mà "trước hết phải làm điều khéo, rồi sau mới đến thu hoạch kết quả" (Luận ngữ, Ung dã, 20), và "người cứng cỏi, can đảm, kiên tâm, quyết chí, chất phác, thật thà, ít nói thì gần với nhân" (Luận ngữ, Tử Lộ, 27). Với Khổng Tử, chỉ có người nhân mới có thể có được cuộc sống an vui lâu dài với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào, cũng có thể yên ổn, thanh thản. Do vậy, theo ông, người nhân "bậc quân tử không bao giờ lìa bỏ điều nhân, dẫu chỉ trong một bữa ăn. Người quân tử không bao giờ ở sai điều nhân, dẫu trong lúc vội vàng, khi ngả nghiêng cũng vẫn theo điều nhân" (Luận ngữ, Lý nhân, 5).
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Khổng Tử, "Nhân" không chỉ là "yêu người", "thương người", mà còn là đức hoàn thiện của con người, và do vậy, "nhân chính" là đạo làm người - sống với mình vả sống với người, đức nhân là cái bền vững như núi sông. Với ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì cái gốc của đạo lý con người là "trung thứ" và đạo đức, luân lý con người là "Nhân", người có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông. Tuy nhiên, trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc đã có nhiều học thuyết phê phán chữ "Nhân" (yêu người) của Khổng Tử. Có người cho đó là giả dối, có người cho đó là nói suông, có người lại cho đó là nguồn gốc của bất nhân, bất nghĩa... Thế nhưng không phải vì thế mà tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử không đi vào lòng của nhiều người đương thời, gây cho họ biết bao sự xúc động và làm cơ sở cho hành động nhân đạo của họ. Thực tế cho chúng ta thấy, "từ đời Hán trở đi, suốt trên hai nghìn năm đạo Khổng được độc tôn, Vua Chúa đời nào cũng ráng áp dụng nó, mặc dầu không đúng. Nó thực tế hơn đạo Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia". Cũng cần phải nói thêm rằng, trong Luận ngữ, tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử còn bao gồm nhiều đức khác, như: Trực (ngay thẳng, không giả dối), Kính (nghiêm trang, cẩn trọng, cẩn thận trong công việc), Nghĩa, Lễ...
Để hiểu rõ hơn về tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử cần so sánh nó với tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử, tư tưởng Từ bi của đạo Phật. Nếu tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử coi ai cũng như mình, người thân của người cũng là người thân của mình, không phân biệt riêng tư thì "Nhân" phân biệt mình và người, lấy mình làm khởi điểm để phân biệt từ thân đến sơ, từ gần tới xa, phân biệt người tất, kẻ xấu. Người Nhân trong quan niệm của Khổng Tử coi trọng đạo đức, chú ý phần thiện trong bản tính con người thì người Kiêm ái chỉ chú trọng đến sự cứu giúp vật chất, chú ý đến"giao tương lợi". Tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử cũng khác xa tư tưởng Từ bi của đạo Phật. Phật thương người và thương cả vạn vật. Lòng thương của Phật có một nỗi buồn vô hạn, buồn cho sự mê muội của sinh linh, tìm cách giải thoát mọi sinh linh ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử. Còn đạo Khổng tìm mọi cách giúp cho con người sống một cuộc sống vui vẻ hơn, có nghĩa lý hơn và tìm kiếm hạnh phúc ngay trên cõi trần chứ không phải ở trên cõi niết bàn. Chính vì vậy, ngay cả khi tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo du nhập và có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của con người Đông Á thì nó cũng không thể thay thế được vai trò của đạo Khổng. Có thể nói "Nhân" của Khổng Tử là tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất trong lịch sử các nước ở phía đông của Châu Á này.
Có thể nói, chế độ phong kiến Đông Á kéo dài được mấy nghìn năm một phần là nhờ tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử. Nhờ có đường lối "nhân nghĩa" của Khổng - Mạnh mà xã hội đó được ổn định, con người với con người có quan hệ hòa hợp, còn xã hội trở thành một khối bền vững. Sự trì trệ của xã hội phong kiến đó ở giai đoạn sau là do nguyên nhân khác, chứ không phải do nguyên nhân ở tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử.
Ngày nay, chế độ xã hội đã khác trước. Con người ngày nay cần một thứ nhân đạo chủ nghĩa phù hợp với thời đại mình. Nhưng không phải vì vậy mà tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử không còn có ý nghĩa. Xã hội ngày nay vẫn còn những người nghèo khó, đói rét, cô đơn, bất hạnh, những con người này rất cần đến sự quan tâm, thông cảm, giúp đỡ của người khác và của cả cộng đồng. Do vậy, tư tưởng "Nhân" là yêu người của Khổng Tử vẫn còn có thể phát huy tác dụng.
Xã hội là một cộng đồng của những con người, giữa họ có nhiều mối quan hệ. Nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ có biết bao thảm kịch xảy ra. Một khi mỗi con người đều biết quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những họ thấy cuộc sống của bản thân yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng của họ cũng có sự gắn bó, bền vững và có nhiều điều kiện để khắc phục những tai nạn do khách quan đưa lại. Điều này không những đúng với xã hội ngày xưa, mà còn đúng với cả xã hội ngày nay. Khi xã hội loài người đang trong quá trình toàn cầu hoá, phấn đấu để thế giới trở thành "ngôi nhà chung", không còn có cộng đồng lớn hay nhỏ đứng ngoài "ngôi nhà chung" ấy, thì chúng ta càng cần phải xích lại gần nhau, tạo ra những tiền đề cơ bản để có thể xây dựng một ngôi nhà chung mang một sắc thái mới, đó là: đa sắc tộc, đa tín ngưỡng, đa văn hoá và trên hết là có một tinh thần bao dung.
Có thể nói, phạm trù "Nhân" của Khổng Tử đã ra đời trong thời đại phong kiến, mang sắc thái của xã hội phong kiến, có những điều không còn phù hợp với ngày nay, nhưng việc tìm hiểu và rút ra được “hạt nhân hợp lý" của nó vẫn là việc chúng ta nên làm, cần làm.
Nguồn: Tạp chí Triết học
Tags:
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI