Home � DANH NHÂN GIÁO DỤC NGUYỄN TRÃI

DANH NHÂN GIÁO DỤC NGUYỄN TRÃI



Nhân dịp 568 năm ngày giỗ Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (16 tháng Tám AL), Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban quản trị Website xin đăng bài “Phác họa chân dung Danh nhân giáo dục Nguyễn Trãi” của tác giả Nguyễn Bá Cường như để kính cẩn dâng lên Người một nén tâm hương.


Sự nghiệp tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Ông là người đã đặt cơ sở cho tư tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng triều đại mới - Lê sơ - triều đại được coi là cực thịnh của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Ông có nhiều cống hiến hết sức to lớn trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí, ngoại giao, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật,... Trong hệ thống tư tưởng của ông, vấn đề giải phóng con người, giáo dục con người là vấn đề xuyên suốt và được quan tâm trước hết.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa thế giới, “khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam” đã được làm sáng tỏ về cơ bản trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nhấn mạnh đến sự nghiệp giáo dục của ông. Những dữ kiện được nêu lên sau đây cho thấy cuộc đời Nguyễn Trãi có sự gắn bó liên tục với giáo dục.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và khoa cử, “đã có sẵn thanh danh vị vọng”: cha là Nguyễn Ứng Long (còn có tên là Phi Khanh) vốn là nhà Nho nghèo dạy học, thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1374, mẹ là Trần Thị Thái - con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Sáu tuổi, Nguyễn Trãi đã ham đọc sách (“Lục tuế nhi đồng phả ái thư”), tiếp nối truyền thống gia đình (“Một cửa thi thư dõi nghiệp nhà”[1]).
Tuổi trẻ Nguyễn Trãi đã nức tiếng thơm về học vấn trong giới nhà Nho (Thanh niên phương dự ái nho lâm). Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: Ông “học rộng văn hay”, “tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh, sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả”. Ở tuổi 21, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh trong khoa thi đầu tiên do nhà Hồ tổ chức (1400), làm quan với chức Chính chưởng Ngự sử đài (dưới thời Hồ Hán Thương, 1401 - 1407).
Cuối năm 1406, nhà Minh xâm lược Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam khi đó). Cha con Nguyễn Trãi đã dứt khoát đứng về phía nhà Hồ để kháng chiến chống quân Minh. Tháng 4 năm 1407, nhà Hồ thất bại, nhiều triều thần bị giặc bắt đưa về Trung Quốc, trong đó có cha ông - Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt và giam lỏng ở phía Nam thành Đông Quan (nay là Hà Nội). Ông sống và dạy học trong khoảng mười năm tại ngôi nhà của người cha khi còn làm quan dưới triều Hồ. 
Trong thời gian loạn lạc này, họ hàng thân thích ly tán, Nguyễn Trãi nhận thấy chuyện công danh chỉ là giấc mộng. Ông nghĩ mình giống như Vương Thức (người đời Hán làm việc dạy học) và ông cũng tự học theo gương Quản Ninh (người đời Ngụy thời Tam Quốc, lánh nạn dạy dân về thi thư, lễ nghĩa) chứ nhất định không ra làm quan cho giặc. Bởi thế, nỗi niềm mong muốn của ông chính là nơi thư phòng. Ông quyết tâm vượt lên cảnh nghèo khó (và mất tự do) để học tập, giảng dạy: “Mười năm đọc sách, nghèo đến tận xương, Mâm cơm đến rau mục túc cũng không có, chỗ ngồi không có đệm”. Sau này, khi gặp lại bạn cũ, Nguyễn Trãi nhớ lại thời kỳ mười năm từng dạy học (Ký tằng giảng học thập dư niên). Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, ông đã từng có nhiều thời điểm dạy học. Chẳng hạn: GS.TSKH Dương Thiệu Tống cho rằng, Nguyễn Trãi có ít nhất bốn thời kỳ mở trường dạy học: Thời kỳ thứ nhất (trước 1400) khi chưa thi đỗ, tại Nhị Khê; thời kỳ thứ hai trong khoảng 10 năm lưu lạc (1407 - 1416); thời kỳ thứ ba sau khi gặp Lê Lợi và trước khi khởi nghĩa (1416 - 1418); và thời kỳ thứ tư, trước khi gặp thảm họa vì vụ án Lệ Chi Viên (1442)[2]. Theo GS Bùi Văn Nguyên: “Chắc chắn Nguyễn Trãi có vài lần trực tiếp dạy học, còn như việc tham gia chấm thi, đọc quyển,v.v,.. có thể nhiều lần, kể từ khoa Minh Kinh năm Bính Ngọ (1426) đến khoa thi Hội chính quy năm Nhâm Tuất (1442)[3].
Không chỉ hành đạo thông qua giáo dục, Nguyễn Trãi hăng hái thực hiện bản lĩnh của một nhà Nho hành động: “chí những muốn việc cổ nhân đã muốn, để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo”. Khoảng 1416 - 1418, ông tìm cách vào Thanh Hóa dâng “Bình Ngô sách” lên thủ lĩnh cuộc kháng chiến là Lê Lợi và chính thức tham gia phong trào khởi nghĩa Lam Sơn với mục đích “lo vận nước”, “cứu lê dân”, “rửa nhục ngàn thu”, để xây dựng “xã tắc vững bền”, “non sông đổi mới” và để “mở nền thái bình muôn thuở”.
Cuộc kháng chiến chống quân Minh toàn thắng, với vai trò “làm công thần mở nước thứ nhất”, Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ cho theo họ Lê (vì thế còn gọi là Lê Trãi) và phong tước Quan phục hầu, được cử giữ các chức quan: Hàn lâm viện Thừa chỉ, Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư,… Ông đã giúp vua xây dựng đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao và tổ chức chế độ giáo dục, thi cử. Nhà vua giao cho ông soạn Chiếu cầu hiền tài, Chiếu ban “Hậu tự huấn” để răn bảo Thái tử,... Tuy vậy, dưới thời Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi bị nghi ngờ về lòng trung thành nên khiến ông bị bắt giam, sau không đủ chứng cứ rồi lại được tha (năm 1429). Kể từ đó, ông không được trọng dụng mà chỉ được giao cho san định lễ nhạc, sử sách (như hiệu đính nhã nhạc, định quy chế mũ áo...). Thông qua những việc này mà Nguyễn Trãi thực hiện một số chủ trương cải cách văn hóa, giáo dục.
Sau khi vua Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần gièm pha nên ông đã xin về nghỉ ở Côn Sơn. Năm 1434, ông được Lê Thái Tông triệu ra làm quan và tin dùng, cử vào điện Kinh Diên dạy vua học tập, soạn sách Dư địa chí để giáo dục về địa lí, phong tục, soạn lễ nhạc cho triều đình và dạy hát múa trong cung. Kết quả giáo dục của Nguyễn Trãi được Lê Quý Đôn đánh giá là đã “giúp nên đức cho vua”.
Khoảng cuối năm 1437, do mâu thuẫn giữa các võ quan và văn quan, giữa các phe phái võ quan, sự lộng hành của các hoạn quan, Nguyễn Trãi đã đấu tranh chống lại bọn chúng nhưng thân cô thế cô nên ông phải xin lui về ẩn dật tại Côn Sơn. Ông vẫn miệt mài hành đạo thông qua giáo dục: “Dạy láng giềng mấy sĩ nho”. Ông tự hào noi theo con đường của nhà Nho kẻ sĩ mà gia đình truyền lại với sự thanh bạch, đồng thời vui mừng vì còn giữ được nghiệp cũ để truyền lại nghiệp Nho cho con cháu trong nhà. Ông quan niệm đó mới là vốn quý chứ đâu cần gì phải vàng bạc đầy rương?.
Năm 1439, vua Lê Thái Tông lại mời Nguyễn Trãi về tham dự triều chính, khôi phục quyền chức và được trọng dụng. Trong đó, đáng chú ý là ông được giao “kiêm Tam quán” - công việc về văn hóa, giáo dục. Ông coi việc đó là “điều Nho giả cực vinh” và thông qua chức ấy, ông có điều kiện để tổ chức giáo dục lòng tự hào về nền văn hiến của dân tộc và thực hiện trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ mai sau. Chính vì thế, mùa xuân năm Nhâm Tuất (1442), triều đình nhà Lê đã mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên, Nguyễn Trãi được cử làm "độc quyển" (người duyệt bài thi lần cuối cùng để trình lên nhà vua quyết định thứ hạng cao thấp), vua Lê Thái Tông thân hành ra đề sách vấn, lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và Tiến sĩ. Kể từ khoa thi này, chế độ thi cử, tuyển chọn nhân tài thời Lê nói riêng và ở nước ta trong lịch sử nói chung được định hình về cơ bản nhờ công lao xây dựng nền móng của Nguyễn Trãi.
Do uy tín của Nguyễn Trãi từ trước (“nói tất nghe mà kế tất theo”) và được trọng dụng trở lại (“công đã thành mà danh đã toại”) khiến ông phải đối mặt với một sự thật: “mua ghen ghét, chuốc gièm pha, chợt nhặng xanh nhơ vết”. Ông rút ra kết luận: Mới biết rằng, người thẳng ngay thì khó hợp (Tín tri lạc lạc giả nan hợp), “để trong trắng thì bẩn dễ dây” (Chung linh hạo hạo giả dị ô). Dù ông “đầu bạc lòng son”, mong cho “thanh thiên bạch nhật, lòng trung được chút tỏ ra” nhưng rồi vẫn đành “phải ngậm cười dưới đất”. Thảm án oan Lệ Chi Viên do bàn tay tạo dựng của những kẻ ghen ghét đố kỵ với nhân cách và tài năng của ông đã khiến cho sự nghiệp chính trị và giáo dục của bậc hiền tài, vị khai quốc công thần nhà Lê dừng lại với kết cục tru di ba họ vào mùa thu năm 1442. 
Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, sau đó, các tác phẩm của ông được sưu tầm và lưu truyền. Nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh (1980), Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở nhiều nước trên thế giới, trong đó ở Việt Nam tổ chức trọng thể cấp Nhà nước.
Nguyễn Trãi đã để lại tấm gương về sự sáng tạo không mệt mỏi trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, đặc biệt là phương diện văn hóa - giáo dục. Hầu hết các tác phẩm mà ông sáng tác đều có giá trị giáo dục to lớn: “Bình Ngô sách” - chiến lược giải phóng dân tộc nhằm giáo dục và định hướng về đường lối đánh giặc, cứu nước; “Quân trung từ mệnh tập” có tác dụng giáo dục tư tưởng độc lập dân tộc, đưa con người trở về chính nghĩa, tạo dựng niềm tin và mối quan hệ bang giao hữu hảo; “Bình Ngô đại cáo” - bản tuyên ngôn độc lập có tác dụng giáo dục ý thức tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước tự cường, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, văn hiến, lịch sử và biểu dương sức mạnh đoàn kết dân tộc, nêu cao vai trò của nhân tố con người, giáo dục tinh thần hòa bình, nhân đạo chủ nghĩa,…; “Dư địa chí” - cuốn sách địa lý toàn quốc đầu tiên có tác dụng giáo dục sự hiểu biết về vị trí địa lý, lãnh thổ, sản vật, tài nguyên vùng miền,… để từ đó tăng cường tình yêu nước, yêu con người Đại Việt, bảo vệ Tổ quốc và bản sắc văn hóa dân tộc; “Lam Sơn thực lục” - cuốn sách lịch sử nhằm giáo dục truyền thống lịch sử và phương pháp tư duy đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước, đặt ra nhiều kỳ vọng (trách nhiệm) ở con cháu đời sau,... Nguyễn Trãi làm thơ Quốc âm nhằm giáo dục và bảo vệ nét đẹp đặc sắc về ngôn ngữ - một trong những thành tố cơ bản làm nên độc lập về văn hóa dân tộc. Việc ông tham gia soạn luật, định lễ nhạc, phong tục, trang phục,… đều nhằm giáo dục ý thức chấp hành kỷ cương, trật tự xã hội, nâng cao ý thức thẩm mỹ, nghệ thuật cho triều đình và dân chúng.
Sự nghiệp giáo dục của Nguyễn Trãi được nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo nổi tiếng đương thời là Phan Phu Tiên làm thơ mừng “bậc danh nho giúp đời trị bình” và khái quát: Trẻ thì ham học, lớn lên thi hành đạo (đã học), sống đã tự mình biết giác ngộ trước rồi lo giác ngộ cho muôn người dân. Nguyễn Mộng Tuân (đỗ Thái học sinh cùng khoa thi với Nguyễn Trãi, làm quan dưới triều các vua đầu thời Lê sơ), trong thơ mừng Nguyễn Trãi có nhà mới nói rằng: Sách vở thì giàu nhưng của cải thì nghèo xơ cả bốn vách (Tứ bích gia bần phú lục kinh), đồng thời ca ngợi ông: Dựng nước và làm vẻ vang Tổ quốc, từ xưa chưa ai được như ông (“Kinh bang hoa quốc, cổ vô tiền”). Chính cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao thượng của Nguyễn Trãi đã có giá trị giáo dục sâu rộng, lâu dài trong lịch sử dân tộc ta. Ông chẳng những “lưu dấu ấn đẹp đẽ trong lịch sử thời Lê cường thịnh về kinh tế, cường thịnh về giáo dục,v.v..” mà còn có tác dụng giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam hiện nay.

Nguyễn Trãi là một nhà Nho Việt Nam tiêu biểu. Trong giáo dục, ông thấm nhuần Nho học nhưng không giáo điều, “hủ nho”. Nguyễn Trãi luôn luôn có ý thức và không ngừng vận dụng Nho học nói chung và lý luận giáo dục Nho học nói riêng vào đời sống thực tiễn xã hội nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bởi thế, sau này, Chu Xán, sứ nhà Thanh sang Đại Việt vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) có nhiều thơ hay về Việt Nam dâng lên triều đình Trung Quốc, trong đó có lời tôn vinh Nguyễn Trãi là người nổi tiếng về kinh tế. Sử gia Phan Huy Chú cũng khẳng định Nguyễn Trãi có sự nghiệp “kinh bang tế thế”. Nguyễn Trãi đề cao vai trò quan trọng của giáo dục đối với việc đào tạo nhân tài, giữ gìn và phát huy đạo đức xã hội, thay đổi bản tính và hoàn thiện phẩm chất nhân cách con người, là con đường tạo ra những sức mạnh vật chất và những lực lượng tiến bộ thúc đẩy xã hội phát triển. Ông chú trọng giáo dục những phẩm chất cơ bản của đạo làm người, tập trung vào nhân nghĩa, trung cần,… và chính ông là một tấm gương sáng về đạo làm người với cốt cách dân tộc và tinh hoa nhân loại. Sự nghiệp của ông mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử văn hóa Thăng long - Hà Nội.

--------------------------------------------------------------------------------
[1] Từ đây trích dẫn thơ văn Nguyễn Trãi theo Nguyễn Trãi toàn tập (tân biên), 3 tập (in lần thứ hai), Mai Quốc Liên chủ biên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học, 2001.
[2] Dương Thiệu Tống. Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại. Nxb Trẻ, 2003, tr.211-219.
[3] Bùi Văn Nguyên. Văn chương Nguyễn Trãi. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984, tr.298