Home � TÍNH THỜI ĐẠI TRONG SỰ PHÂN TÍCH CỦA V.I.LÊNIN VỀ Ỹ NGHĨA LỊCH SỬ TOÀN THẾ GIỚI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

TÍNH THỜI ĐẠI TRONG SỰ PHÂN TÍCH CỦA V.I.LÊNIN VỀ Ỹ NGHĨA LỊCH SỬ TOÀN THẾ GIỚI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI



Vladimir Ilyich Lenin, tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov,  còn thường được gọi với tên V. I. Lenin hay N. Lenin (22 tháng 4 năm 1870 – 21 tháng 1 năm 1924) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx (1818 - 1883) và Friedrich Engels.
Ông sinh tại làng Gorki, Simbirsk, nay là Ulyanovsk. Tên họ thật là Vladimir Ilyich Ulyanov. Lenin là người tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô và thành lập nước Nga Xô Viết.
Ông mất tháng 1 năm 1924, thi hài được lưu giữ trong lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ, Moskva. Ông được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.


Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến tiến bộ xã hội hơn bất kỳ một sự kiện lịch sử nào. Cách đây 85 năm, "một thời đại mới trong lịch sử thế giới" đã được mở ra. "Cái ngày vĩ đại ấy càng cách xa chúng ta, thì ý nghĩa cuộc cách mạng vô sản ở Nga càng trở nên rõ rệt, chúng ta cũng càng suy nghĩ sâu về toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của công tác của chúng ta"(1). Sự khẳng định trên đây của Lênin đã được chứng minh bởi sự nhận thức ngày càng sâu sắc về ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa vạch thời đại của cuộc Cách mạng tháng Mười. Hàng năm, nhân loại tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới tưng bừng tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng "cách tốt nhất để kỷ niệm cuộc cách mạng vĩ đại này là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ chưa hoàn thành của cách mạng. Cách kỷ niệm này là thoả đáng và cần thiết, nhất là khi còn có những vấn đề cơ bản mà cách mạng chưa giải quyết xong, và để giải quyết những vấn đề đó, thì phải thấm nhuần được một cái gì mới (nhìn theo quan điểm những cái mà cho tới nay cách mạng đã thực hiện được)"(2).
          Với những chỉ dẫn hết sức sắc bén khoa học như vậy, ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng tháng Mười dưới sự phân tích của Lênin đến nay vẫn còn mang tính thời đại to lớn. Điều hiển nhiên là sự phân tích dù có sâu sắc đến mấy rốt cuộc cũng chỉ phản ánh được tương đối về cái hiện thực sinh động mà Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, về tính thời đại và ý nghĩa quốc tế của nó. Thế nhưng ở Lênin, hơn 80 năm sau Cách mạng tháng Mười, chúng ta vẫn thấy được sự sinh động sôi sục của những ngày tháng sau cách mạng trong từng câu chữ của Người.
          Cách mạng tháng Mười "chưa hoàn thành" những nhiệm vụ lịch sử gì?, chưa giải quyết xong "những vấn đề cơ bản" nào?... Đó là câu hỏi "để thấm nhuần được cái gì mới" cho tới nay, nhân loại tiến bộ vẫn đang phải tìm lời giải đáp.
          Trong lúc tiến bộ xã hội đang cố gắng tìm câu trả lời cho những vấn đề đó, chúng ta hãy tạm thời tập trung chú ý vào những nhiệm vụ mà Cách mạng tháng Mười đã hoàn thành, đã giải quyết xong, để qua đó thấy được ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng vĩ đại này.
          Sự phân tích khái quát nhất của Lênin về Cách mạng tháng Mười và ý nghĩa của nó được Người trình bày tại lễ kỷ niệm lần thứ tư: "Chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng nhà nước xô - viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa"(3).
Nêu lên tính tất yếu lịch sử của các cuộc Cách mạng, Lênin chỉ rõ: "Cách mạng không diễn ra theo lối đặt hàng, người ta không định trước được cách mạng nổ ra vào lúc này lúc nọ, cách mạng chín muồi trong quá trình phát triển lịch sử và nó bùng nổ vào lúc mà hàng loạt những nguyên nhân ở trong nước và ở nước ngoài quyết định"(4). Bởi thế, với cách mạng Nga, "phải thấy rõ được bản chất, tính chất cơ bản của chủ nghĩa tư bản và xã hội tư bản, sự phát triển tất yếu của chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản", và "thấy được bản chất của chủ nghĩa đế quốc và các cuộc chiến tranh đế quốc làm cho chủ nghĩa tư bản  mau chóng đi đến sụp đổ và làm cho cách mạng vô sản trở thành vấn đề trước mắt"(5).
          Nguyên nhân sâu xa của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga là ở chỗ nước Nga đã phải chịu đựng cái ách dã man nhất, ách của Nga hoàng và không một nước nào bị chiến tranh giày vò và làm cho kiệt quệ như nước Nga. Hơn nữa, bản thân nhân dân (công - nông- binh sĩ) "đã phải chịu đựng những hậu quả của chiến tranh, đã thấy sự bế tắc trong xã hội cũ và thấy bọn tư bản đã dùng hết những thành tựu tuyệt vời của kỹ thuật và văn hoá để gây ra cuộc chiến tranh huỷ diệt và con người đã trở nên hung ác, dã man và đói khổ. Đó là điều mà bọn tư bản đã làm và vì thế cho nên vấn đề đặt ra với chúng ta là: hoặc chết, hoặc phá đến tận gốc rễ cái xã hội tư sản cũ đó"(6).
          Cuộc Cách mạng nổ ra chứng minh chân lý có áp bức tất phải có đấu tranh, sự áp bức tàn bạo của CNTB không thể cứu xã hội tư sản khỏi những tàn lửa từ những đám mây của giai cấp vô sản rơi xuống mái nhà của chúng, càng "không thể dùng một vạn lý trường thành nào để ngăn cách khỏi nước Nga" một cuộc cách mạng làm cho CNTB phải sụp đổ.
          Tính thời đại, ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng tháng Mười là ở chỗ:
1. Cuộc Cách mạng tháng Mười nổ ra và thắng lợi đã chấm dứt lịch sử các giai cấp bóc lột kế tiếp nhau thống trị ở nước Nga, chấm dứt thời kỳ đen tối dài dằng dặc của nhân dân lao động Nga, chấm dứt thời đại CNTB áp bức bóc lột toàn thế giới, lần đầu tiên "đã bẻ gãy xiềng xích của chiến tranh đế quốc chủ nghĩa"
Cách mạng tháng Mười đã "chứng tỏ rằng do hoàn cảnh không có lối thoát của toàn thể nhân loại sau chiến tranh mà đã nảy sinh ra cuộc cách mạng đó, và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trở thành vô địch"(7).
          Cách mạng đã chỉ rõ rằng "chiến tranh nhất định sẽ đưa toàn xã hội tư sản đến chỗ tan dã, chiến tranh đang biến thành một cuộc chiến tranh của những người lao động chống bóc lột" và "khi giai cấp vô sản có thể thoát được các tai hoạ khủng khiếp của cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa và đã có thể xây dựng lên một toà lâu đài cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đống điêu tàn của cái kiến trúc mà nó đã phá huỷ thì nhất định nó sẽ thắng"(8).
          Cách mạng tháng Mười cũng đã chứng tỏ: "Chủ nghĩa đế quốc thế giới không ra khỏi cuộc chiến tranh hiện đại, nếu không có một hoạt động cách mạng, cuộc chiến tranh đó chỉ kết thúc bằng thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội mà thôi"(9). Đây là một sự chỉ dẫn sâu sắc và xác đáng của Lênin cho những dân tộc bị áp bức và phụ thuộc trên thế giới thoát khỏi cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc để đứng lên xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
          Cách mạng tháng Mười là một cuộc cách mạng diễn ra hết sức nhanh chóng và ít đổ máu nhất trong lịch sử loài người. Chỉ "trong vòng có vài ngày đã lật đổ được chế độ quân chủ, trong có vài tháng đã thủ tiêu được tất cả mọi mưu toan thoả hiệp với giai cấp tư sản, và trong có vài tuần đã đập tan được sự phản kháng của giai cấp tư sản trong cuộc nội chiến"(10).
          Cách mạng tháng Mười đã nêu lên một sự thật, mà "sự thật vẫn là sự thật, từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay, đây là lần đầu tiên mà lời hứa "đáp lại" cuộc chiến tranh chống bọn chủ nô bằng một cuộc cách mạng của những người nô lệ chống bọn chủ nô đủ loại, lời hứa ấy đã được thực hiện một cách triệt để và đang tiếp tục được thực hiện bất chấp mọi khó khăn"(11).
          Cách mạng tháng Mười khẳng định người dân Nga "có quyền tự hào và sung sướng là người đầu tiên vật ngã, ở một góc của quả đất, con thú dữ ấy là chủ nghĩa tư bản, nó đã dìm thế giới trong máu, đã làm cho loài người lâm vào tình cảnh đói rét và dã man, nhưng dù trong cơn giãy chết, nó có hung hãn quái ác và tàn bạo đến đâu đi nữa, thì cuối cùng nó cũng nhất định bị tiêu diệt và đang sắp bị tiêu diệt"(12).
          Hơn 80 năm sau sự vật ngã của con thú dữ CNTB, nó lại có thể ngóc đầu lên được nhờ sự đổi mới và thích ứng với những hình thức bóc lột mới. Nắm trong tay những nguồn lực khổng lồ về kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật, công nghệ,…, nhưng CNTB không phải là chế độ xã hội cho phép khắc phục được tất cả những vấn đề toàn cầu hiện nay. Nó vẫn đẩy thế giới "vào tình cảnh đói rét và dã man", vẫn dìm thế giới trong máu của các cuộc chiến tranh, xâm lược và can thiệp thô bạo. Mỗi bước đi của nó lại càng dấn sâu hơn vào những mâu thuẫn nội tại cực kỳ nan giải và càng đẩy tới xu thế tự phủ định. Theo lời đoán định của Lênin thì CNTB ngày nay cũng "đang sắp bị tiêu diệt", bởi theo quy luật khách quan của lịch sử, CNTB đang tạo ra những tiền đề khách quan ngày càng nhiều hơn cho CNXH và sớm muộn nó cũng sẽ được thay thế bằng một chế độ xã hội mới cao hơn, đó là chủ nghĩa xã hội. Điều đó chứng tỏ Cách mạng tháng Mười đã mở đầu lịch sử giai cấp công nhân cùng nhân dân lao động nước Nga vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở đầu kỷ nguyên tràn đầy ánh sáng tự do trên một đất nước rộng lớn bao la, từ vùng Đông Âu qua suốt bề ngang lục địa châu Á đến tận Thái Bình Dương, mở ra cho toàn thế giới thời đại mà nội dung cơ bản là sự quá độ từ CNTB lên CNXH. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã chiếu rọi lịch sử của các dân tộc, tạo nên một thời đại mới, thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và sụp đổ của CNTB.
2. Khẳng định sức mạnh tự giải phóng của quần chúng nhân dân và Cách mạng đã đưa họ vào con đường sáng tạo cuộc sống mới
          Cách mạng tháng Mười thắng lợi cho thấy "quần chúng lao động đã tạo ra trong hàng ngũ của họ điều kiện chủ yếu của thắng lợi đó: hợp nhất tất cả những sự cố gắng chống bọn bóc lột để lật đổ chúng". Điều đó "có ý nghĩa lớn trên thế giới". Cách mạng đã "thức tỉnh và phát động chính những tầng lớp xã hội "bên dưới" đứng lên hành động, những tầng lớp mà bọn bóc lột đã dìm xuống tận đất đen và chỉ sau ngày 25 tháng Mười 1917, họ mới được toàn quyền tự do lật đổ bọn bóc lột, tự do định phương hướng cho mình và tổ chức nhau lại theo ý muốn của mình"(13).
          Cách mạng tháng Mười đã đưa những tầng lớp dưới nhất trong số các quần chúng cần lao bị chế độ Nga hoàng và giai cấp tư sản áp bức lên chỗ tự do và lên một cuộc sống tự lập. Cuộc Cách mạng đó "vĩ đại và vô địch trước lịch sử toàn thế giới - vì lần đầu tiên đây không phải là những thiểu số, không phải chỉ độc những người giàu, chỉ độc những tầng lớp có học, mà là quần chúng chân chính, quảng đại quần chúng lao động đang tự xây dựng đời sống mới của mình, đang dựa vào kinh nghiệm bản thân để giải quyết những vấn đề gay go nhất của tổ chức xã hội chủ nghĩa".
Thực tế chỉ cho chúng ta thấy rằng, không phải ai cũng có thể nhìn nhận và đánh giá đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân trong cách mạng mà "chỉ có người nào tin tưởng vào nhân dân, dấn mình vào nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân mới là người chiến thắng và giữ được chính quyền". Lênin là một tấm gương về sự dấn thân vào nguồn sáng tạo của nhân dân. Trong thời đại ngày nay, lời tuyên bố về sức mạnh sáng tạo và tính tự giác của quảng đại quần chúng lao động trong cách mạng vẫn được khẳng định: "thắng lợi sẽ thuộc về những người bị bóc lột, vì cuộc sống ủng hộ họ, vì họ có sức mạnh về số lượng, sức mạnh của quần chúng, những nguồn vô tận về lòng hy sinh, về lý tưởng, về tính trung thực của những người mà người ta gọi là "dân thường", tức là những công nhân và nông dân đang đứng lên phía trước, đang giác ngộ để xây dựng một thế giới mới có những dự trữ nghị lực và tài năng hết sức lớn lao. Thắng lợi thuộc về họ"(14).
          Lênin nhấn mạnh rằng, sức mạnh, sức sống, sức vô địch của cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 là ở chỗ nó thức tỉnh được những đức tính ấy (tính tự giác và sáng tạo của nhân dân lao động), nó đạp đổ mọi trở lực cũ, nó chặt được những dây ràng buộc đã mục nát, nó đưa được quần chúng lao động vào con đường tự mình sáng tạo lấy cuộc sống mới. Nếu như trước kia, tất cả trí tuệ của loài người, tất cả thiên tài của con người sáng tạo ra chỉ để đem lại cho một số người toàn bộ lợi ích của kỹ thuật và văn hoá, và tước đoạt của đại đa số người khác những cái cần thiết như giáo dục và tiến bộ,… thì sau Cách mạng tháng Mười, "tất cả những cái kỳ diệu của kỹ nghệ, tất cả những thành quả của văn hoá, sẽ trở thành tài sản của nhân dân, và từ nay, không bao giờ trí tuệ cũng như thiên tài của loài người bị biến thành những phương tiện bạo lực, những phương tiện bóc lột nữa"… "Những người lao động sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ lịch sử vĩ đại đó, vì họ mang trong bản thân họ những lực lượng tiềm tàng to lớn của cách mạng, của sự phục hưng và của sự đổi mới"(15). Những nhận định này của Lênin là những chân lý về vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân, khẳng định sự phát triển lịch sử thuộc về sức mạnh vật chất và sức mạnh trí tuệ của quần chúng lao động.
Cách mạng tháng Mười đã giải phóng toàn thể nhân dân lao động, trong đó, lần đầu tiên địa vị của phụ nữ được khẳng định. Lênin viết: "Địa vị của phụ nữ chứng minh đặc biệt rõ sự khác nhau giữa chế độ dân chủ tư sản và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa,… Dưới chế độ cộng hoà tư sản, dù đó là chế độ dân chủ nhất đi nữa, thì ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, ở bất kỳ nước tiên tiến nào, địa vị của phụ nữ cũng không được hoàn toàn bình quyền"(16)… Dưới chủ nghĩa xã hội, "bước chủ yếu là thủ tiêu chế độ tư hữu về ruộng đất, công xưởng và nhà máy. Chính nhờ thế và chỉ có như thế mới mở được con đường giải phóng hoàn toàn và thật sự cho phụ nữ, mới thủ tiêu được "chế độ nô lệ gia đình" nhờ có việc thay thế nền kinh tế gia đình cá thể bằng nền kinh tế xã hội hoá quy mô lớn".
Như vậy, Cách mạng tháng Mười đem lại quyền tự do, bình đẳng và chất sáng tạo trong việc thúc đẩy lịch sử phát triển của toàn thể nhân dân lao động. Cách mạng tháng Mười đã chứng minh bài học "muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng (công - nông) làm gốc"(17). Thắng lợi có ý nghĩa quốc tế của Cách mạng tháng Mười là khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân là lực lượng chủ yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp của thời đại hiện nay, và là người đi tiên phong mang ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đến đích cuối cùng.
3. Cách mạng tháng Mười đã mở đầu một thời đại mới - lần đầu tiên, quần chúng bị áp bức tự mình đứng ra thành lập chính quyền - Nhà nước vô sản
Cách mạng đã phá huỷ tới tận gốc bộ máy nhà nước cũ và thành lập một bộ máy quản lý mới dưới hình thức các tổ chức xô-viết. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới mang đậm dấu ấn của một thời đại mới với sự "thiết lập một kiểu nhà nước mới chưa từng thấy trong lịch sử, một nhà nước thể theo ý chí của cách mạng mà có nhiệm vụ quét sạch khỏi mặt đất mọi sự bóc lột, mọi bạo lực, mọi sự nô dịch"(18). Sự nghiệp sáng tạo ra một kiểu chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có của Cách mạng Nga khiến cho nó khác hẳn về chất so với tất cả các cuộc cách mạng trước đây. Cách mạng tháng Mười chứng minh rằng, nó không phải là điều mà người ta tự ý bịa đặt ra, càng không phải là một kết quả của một thủ đoạn đảng phái, không phải là một cuộc bạo loạn điên cuồng, mà là kết quả của sự phát triển của bản thân cuộc sống, là kết quả của sự hình thành tự phát của cách mạng thế giới. "Những cuộc cách mạng trước đây đã ra sức chính là để đập tan cái bộ máy nhà nước cũ đó của bọn bóc lột, nhưng mãi cho đến nay những cuộc cách mạng đó vẫn chưa bao giờ hoàn thành triệt để được điều đó. Do những đặc điểm về tình hình kinh tế và chính trị của mình, nước Nga đã là người đầu tiên thực hiện được việc chuyển chính quyền vào tay bản thân những người lao động, nghĩa là nó không những giành lấy quyền chính trị, mà còn đoạt lấy chính ngay việc quản lý bộ máy nhà nước trong tay những giai cấp thống trị, trong tay những kẻ bóc lột và áp bức những người lao động, nhằm vĩnh viễn chấm dứt mọi sự bóc lột và mọi sự áp bức"(19).
Như vậy, tính thời đại có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng tháng Mười còn ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã thực tiễn đặt ra những nhiệm vụ cơ bản của chuyên chính vô sản, đó là thủ tiêu chế độ người bóc lột người, xoá bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khẳng định nền chuyên chính vô sản, Cách mạng tháng Mười đã lập nên một kiểu nhà nước mới - Nhà nước XHCN xô-viết, "đã mở đầu cho một cái gì lớn lao, mới mẻ, từ trước cho tới bây giờ chưa hề có trong lịch sử thế giới". Nhà nước XHCN ra đời đồng thời khai sinh ra "một chế độ dân chủ cao hơn và rộng hơn tất cả những chế độ dân chủ trước kia trên thế giới và mở đầu công cuộc sáng tạo của hàng chục triệu công nhân và nông dân nhằm thực hiện chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn"(20).
Với sự ra đời của một kiểu nhà nước hoàn toàn mới và nền dân chủ thực sự, Cách mạng tháng Mười "là cuộc cách mạng vô sản - cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn nền văn hoá đang lâm nguy và nhân loại đang lâm nguy". Cách mạng Nga đã đưa loài người thoát khỏi nền văn minh tư bản chủ nghĩa. Nó không chỉ bắt đầu thực hiện ước vọng của các nhà tư tưởng vĩ đại - đại biểu tiên tiến của loài người về một chế độ được xây dựng trên nền tảng của CNXH, mà còn hoàn thành thắng lợi của cuộc đấu tranh nhiều thế kỷ của những ai không chấp nhận bạo ngược của giai cấp chủ nô, địa chủ phong kiến và tư bản tham tàn, đứng lên giành lấy quyền sống theo những nguyên tắc của tình người.
4. Cách mạng tháng Mười đã sáng lập ra nền văn minh XHCN - nền văn minh nhân đạo khác hẳn và hơn hẳn với nền văn minh phương Tây trước đây. Tồn tại hơn 70 năm ở đất nước Liên Xô, nền văn minh xã hội chủ nghĩa, đúng hơn là những mầm mống của nền văn minh xã hội chủ nghĩa, đã chứng tỏ sự khác biệt hoàn toàn, mới về chất so với văn minh tư sản.
          Ngay sau khi Cách mạng thành công, trong công cuộc xây dựng nền tảng văn minh XHCN, Lênin đã nhấn mạnh tính kế thừa trong sự phát triển, không phủ nhận hoàn toàn CNTB trong việc sáng tạo văn hoá. Người cho rằng, cần phải áp dụng triệt để những thành tựu mới nhất của kỹ thuật hiện đại và khoa học tiên tiến vào phát triển đất nước, phải "biến toàn bộ cái vốn có vô cùng phong phú về văn hoá, về tri thức và về kỹ thuật mà chủ nghĩa tư bản đã tích luỹ lại, cái vốn mà về mặt lịch sử tất phải cần thiết cho chúng ta - biến tất cả những cái đó từ chỗ là công cụ của chủ nghĩa tư bản thành công cụ của chủ nghĩa xã hội"(21). Lênin kêu gọi cần phải thực tế nắm lấy nền văn hoá đã được tạo nên bởi những quan hệ sản xuất cũ và lưu lại với tính cách là cơ sở vật chất của CNXH.
Sự phát triển của nền văn minh, văn hoá XHCN được bắt đầu từ ngay sau khi Cách mạng tháng Mười giành thắng lợi là sự thể hiện trên thực tế đạo lý của một tổ chức đời sống xã hội mới - là tấm gương phản chiếu ý nghĩa lịch sử của những nguyên lý đạo đức cách mạng XHCN cao nhất. Nền văn minh XHCN đã kết thúc sự tồn tại của chế độ người bóc lột người, chỉ ra con đường tiến tới sự phồn vinh của tự do và công bằng xã hội, thức tỉnh hàng chục triệu quần chúng lao động sáng lập nên lịch sử, đặt nền móng đầu tiên cho quá trình xoá bỏ thứ đạo đức tư nhân trong ý thức con người, kế thừa những truyền thống vinh quang, những giá trị tinh thần cao quý và tất cả  những gì tốt đẹp nhất đã được trí tuệ con người và những trái tim đầy nhiệt huyết đúc kết trong nhiều thế kỷ.
          Lịch sử nhân loại đầu thế kỷ XX chứng kiến Cách mạng tháng Mười "vạch ra cho toàn thế giới những con đường dẫn tới chủ nghĩa xã hội", "ngưỡng cửa trực tiếp đi đến CNXH. Nhưng đến cuối thế kỷ XX, nhân loại lại bàng hoàng trước sự kiện hệ thống xã hội chủ nghĩa được thiết lập sau Cách mạng tháng Mười bị tan rã. Tuy nhiên, nghịch lý lịch sử đó chỉ nói lên sự sụp đổ của một mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu chứ không phải là sự sụp đổ hoàn toàn của CNXH với tính cách là một chế độ xã hội tiến bộ, cao hơn CNTB. Lênin chỉ ra rằng, Cách mạng tháng Mười không chỉ có vạch đường chỉ lối dẫn tới CNXH mà mục tiêu của cuộc đấu tranh đó là "thắng lợi hoàn toàn của CNXH". Sự kiện diễn ra ở Liên Xô sau 74 năm Cách mạng tháng Mười đó đã chứng tỏ lời nhận định sâu sắc của Lênin: "Tính chất máy móc hành chính và quan liêu không dung hợp được với tinh thần của chủ nghĩa xã hội" bởi "chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên ban xuống" mà "chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng… tính sáng tạo sinh động của quần chúng, đó là nhân tố cơ bản của xã hội mới"(22).
          Thời đại mới do Cách mạng tháng Mười mở ra vẫn chưa kết thúc mà mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Thời đại ngày nay vẫn đang là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Đi lên CNXH là con đường tất yếu mà Cách mạng tháng Mười vạch ra, nhưng có thể bằng nhiều hình thức, biện pháp thích hợp. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của xã hội Trung Quốc và sự thành công rực rỡ của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đi lên CNXH, sự kiên cường của dân tộc CuBa,…là minh chứng thực tiễn cho sự nhận định của Lênin: "Chừng nào chúng ta chưa thực hiện được chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn thì không một hình thức nào vĩnh viễn cả. Chúng ta không cho là chúng ta biết rõ con đường chính xác nhưng chắc chắn và nhất định chúng ta sẽ đi tới chủ nghĩa cộng sản"(23).
          Thực tế lịch sử thế kỷ XX cho thấy "lịch sử tiến theo những con đường ngoằn nghèo và những con đường vòng" và "cách mạng không khi nào lại diễn biến một cách thuận buồm xuôi gió để đảm bảo cho chúng ta một cao trào nhanh chóng và dễ dàng. Không có một cuộc cách mạng lớn nào, thậm chí một cuộc cách mạng trong phạm vi một nước, lại không trải qua một thời kỳ thất bại nặng nề"(24). Sự nhìn nhận của Lê nin quả thật là hết sức sâu sắc. Thời kỳ thất bại của cách mạng XHCN chỉ là có tính chất tạm thời, đó là sự khủng hoảng trong quá trình phát triển đi lên. Chân lý sáng ngời do Cách mạng tháng Mười đem lại cùng những thành quả thực tiễn của 70 năm xây dựng CNXH ở Liên Xô vẫn chứng minh bước mở đầu của cuộc cách mạng XHCN thế giới.
          5. Cách mạng tháng Mười đánh dấu sự bùng nổ lan toả của cách mạng XHCN quốc tế
Lênin cho rằng "ý nghĩa quốc tế là giá trị quốc tế hoặc là sự tất yếu lịch sử được lặp lại trên phạm vi quốc tế cái diễn ra ở nước ta". Cách mạng tháng Mười đã thức tỉnh lòng tin của hàng triệu và hàng triệu công nhân tất cả các nước vào sức mạnh của bản thân họ và đã nhen lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong lòng họ.
Sau sự kiện Cách mạng tháng Mười, sự phát triển của phong trào cách mạng của giai cấp vô sản trong tất cả các nước tiên tiến, sự xuất hiện và phát triển ở khắp nơi của hình thức xô-viết của phong trào đó chỉ rõ rằng, thời đại cách mạng vô sản, cách mạng cộng sản thế giới, đã bắt đầu. Theo Lênin "ngày nay, chúng ta có trước mắt một kinh nghiệm quốc tế rất phong phú chứng thực hiển nhiên rằng một số đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng của ta không phải chỉ có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc thù dân tộc, ý nghĩa riêng cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế … nó tác động đến tất cả các nước".
Cách mạng tháng Mười đã để lại những dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử nhân loại. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng, nước Nga đã trở thành một thành trì vững chắc, và là một tác nhân kích thích mạnh mẽ đến tiến trình hoà bình thế giới, đảm bảo thắng lợi cho các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La Tinh. Lênin viết: mọi người đều nhìn thấy ở Cách mạng Nga một nguồn hy vọng, bởi vì nó là bó đuốc sẽ châm ngòi lửa khắp năm Châu. Nó "đã thành một hiện tượng thế giới, chính toàn thể giai cấp tư sản cũng nói như vậy, và lời thú nhận đó chứng tỏ hùng hồn rằng, cuộc cách mạng của chúng ta đã lan từ Đông sang Tây, nơi mà nó gặp được một cơ sở ngày càng thuận lợi". Trong đám lửa cháy đang lan ra toàn thế giới đó thì "chỉ có chính quyền của những người lao động mới có thể chiến thắng được chủ nghĩa tư bản thế giới".
Đáp lại những kẻ xuyên tạc, Lênin khẳng định: Cách mạng tháng Mười "chỉ là bước đầu của một cuộc cách mạng thế giới vĩ đại. Và cuộc cách mạng vĩ đại đó, chính chúng ta là những người phát động, chúng ta, dân tộc Nga "kỳ cục" và lạc hậu đấy… Cần phải nói rằng, lịch sử tiến theo những con đường rất lạ lùng; chính một nước lạc hậu lại có vinh dự đi đầu một phong trào thế giới vĩ đại, giai cấp vô sản toàn thế giới đều thấy và đều hiểu vấn đề này. Đám lửa này đang bao trùm cả Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Hà Lan…"(25). Bởi thế, theo Lênin, ngày nay, không có một nhà chính trị giác ngộ nào trên thế giới, dù thuộc đảng phái nào, lại có thể không thấy cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới đã bắt đầu và đang diễn ra.
Tuy nhiên, để cách mạng thế giới thành công, chỉ một mình giai cấp vô sản Nga thì không thể làm được. Lênin khẳng định: nếu không có liên minh cách mạng thì sự nghiệp giải phóng nhân loại không thể toàn thắng. Chiến thắng CNTB trên phạm vi thế giới một cách hoàn toàn, vĩnh viễn, đó là điều không thể làm được trong một mình nước Nga. Điều đó chỉ có thể đạt được khi giai cấp vô sản đã thắng, ít ra là trong tất cả các nước tiền tiến, hoặc ít nhất là trong số nước lớn. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới có thể nói chắc rằng, sự nghiệp của giai cấp vô sản đã thắng, rằng mục tiêu đầu tiên của chúng ta - đánh đổ CNTB - đã đạt được.
Sở dĩ nhân dân Nga là người đầu tiên đã phất cao ngọn cờ cách mạng XNCN là vì họ hiểu rằng họ không bị lẻ loi trong cuộc đấu tranh đó, và được sự giúp đỡ của bạn bè trung thành nhất thì họ sẽ hoàn thành thắng lợi trong cuộc đấu tranh cách mạng đó. Cách mạng tháng Mười đã khôn khéo tránh cho nước Nga khỏi cuộc đấu tranh đế quốc chủ nghĩa, đã cứu đất nước khỏi mối thảm hoạ dân tộc mà các giai cấp bóc lột đã buộc đất nước phải chịu đựng, tránh cho nhân dân Nga khỏi nguy cơ bị nước ngoài nô dịch.
Cách mạng tháng Mười và phong trào xô-viết không chỉ còn là hình thức Nga của chính quyền vô sản nữa, mà theo Lênin, nó "đã trở thành lập trường của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc đấu tranh của giai cấp đó để giành chính quyền". "Cách mạng XHCN tháng Mười đã trở thành một hiện tượng thế giới mà ý nghĩa quốc tế của nó chứng tỏ mong ước về một xã hội công bằng và bình đẳng, độc lập và dân chủ, lần đầu tiên "trở thành hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hoạt động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"(26).
Đối với số phận của các dân tộc ở phương Đông, Cách mạng tháng Mười có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, có tính vạch thời đại, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức ở châu Á, chỉ cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc con đường tự giải phóng, nêu gương tự do dân tộc thực sự để các nước Á Châu vùng lên giành quyền sống. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng nói: đối với người Việt Nam, ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa Mác-Lênin tựa như nước uống đối với người đi đường bị khát, chờ đợi đã lâu ngày.
Ảnh hưởng quan trọng nhất của đối với cách mạng Việt Nam là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã tạo ra một cuộc chuyển biến về tư tưởng trong các nhà cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã nhận thấy ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng tháng Mười. Ánh sáng Cách mạng tháng Mười đã sớm chiếu sáng đến đất nước Việt Nam, soi sáng con đường cách mạng cho nhân dân Việt Nam, cổ vũ nhân dân Việt Nam làm cách mạng đánh đổ bọn đế quốc áp bức và bè lũ tay sai của chúng ở trong nước. Nó đã chỉ cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam con đường giải phóng dân tộc và tiến lên CNXH.
Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh khẳng định trên báo Pravda: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"(27).
*     *
*
Những nhiệm vụ lịch sử, những vấn đề cơ bản trên đây đã được Cách mạng XHCN tháng Mười Nga hoàn thành, song còn nhiều vấn đề cơ bản chưa được giải quyết, chưa được hoàn thành. Đó là sự thắng lợi hoàn toàn của CNXH - hình thái kinh tế - xã hội phát triển cao hơn về chất so với CNTB - trên phạm vi toàn thế giới đang chờ đợi nhân loại tiến bộ sáng tạo nên. Tuy nhiên, ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng tháng Mười dưới sự phản ánh của Lênin vẫn mang tính thời đại sâu sắc. Đây là cơ sở lý luận đúng đắn để nhìn nhận, đánh giá về tính chất và ý nghĩa của cuộc cách mạng vĩ đại này. Lênin khẳng định: "Chính chúng ta đã bắt đầu sự nghiệp ấy… Bao giờ và trong thời đại nào thì người vô sản nước nào sẽ hoàn thành được sự nghiệp ấy, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng chính là băng đã tan, đường đã mở, lối đã vạch ra rồi"(28).
Cách mạng tháng Mười như ngọn đuốc của chủ nghĩa xã hội quốc tế, như tấm gương soi cho tất cả mọi quần chúng cần lao. "Ở đằng kia là tàn sát, chiến tranh đổ máu, là hàng triệu nạn nhân, là sự bóc lột của tư bản; ở đây là một chính sách hoà bình chân chính".
* Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “85 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 11/2002.
(1) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Marxcơva, t.44, tr. 179.
(2) V.I. Lênin, sđd, t. 44, tr. 274.
(3) V.I. Lênin, sđd, t. 44, tr. 184-185
(4) V.I. Lênin, sđd, t. 36, tr. 661
(5) V.I. Lênin, sđd, t. 38, tr. 104
(6) V.I. Lênin, sđd, t. 35, tr. 367
(7) V.I. Lênin, sđd, t. 35, tr. 368
(8) V.I. Lênin, sđd, t. 37, tr. 89, 100
(9) V.I. Lênin, sđd, t. 37, tr. 19
(10) V.I. Lênin, sđd, t.  36, tr. 119
(11) V.I. Lênin, sđd, t. 44, tr. 187
(12) V.I. Lênin, sđd,t. 36, tr. 597
(13) V.I. Lênin, sđd, t. 36, tr 248.
(14) V.I. Lênin, sđd, t. 35, tr. 232-233.
(15) V.I. Lênin, sđd, t. 35, tr. 348.