Home � TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI



Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) được thành lập ngày 11 tháng 10 năm 1951 theo Nghị định 276 của Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 10 tháng 12 năm 1993 theo Nghị định 97/CP của Chính phủ, trường là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo Quyết định 201/QĐTTg ngày 12 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, trường được tách khỏi Đại học Quốc gia Hà Nội và mang tên là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trường ĐHSPHN là trường trọng điểm, đầu ngành trong hệ thống của các trường sư phạm, là trung tâm lớn về đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học và là nơi tạo nên nhiều nhân tài, nhà khoa học danh tiếng cho đất nước.
Các giai đoạn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của trường bao gồm giai đoạn 1951-1966 (trường mang tên là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), giai đoạn 1966-1993 (trường mang tên là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1), giai đoạn 1993-1999 (trường mang tên là Đại học Sư phạm thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và giai đoạn từ tháng 10 năm 1999 đến nay (trường mang tên là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Hiện nay, trường ĐHSPHN là một trong hai trường ĐHSP trọng điểm của nước ta.
Quá trình hơn 50 năm xây dựng và phát triển của nhà trường gắn liền với sự phát triển của đất nước, nền giáo dục - đào tạo và nền đại học Việt Nam. Vượt lên những khó khăn, các thế hệ cán bộ quản lí, giảng viên, nhân viên, sinh viên, học sinh đã tô thắm truyền thống vẻ vang của nhà trường.
Trường ĐHSPHN đã và đang phấn đấu làm tròn chức năng "máy cái của ngành giáo dục", trở thành trường chuẩn mực vừa đào tạo giáo viên các cấp có chất lượng cao vừa nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến làm nòng cốt thúc đẩy sự phát triển của hệ thống sư phạm trong cả nước, góp phần giải quyết các vấn đề then chốt của nền giáo dục quốc dân nói chung và ngành sư phạm nói riêng.
Tính đến năm 2004, trường ĐHSPHN đã đào tạo 76.300 cử nhân (41.092 cử nhân chính qui, 26.910 cử nhân tại chức, 7.624 cử nhân từ xa, 674 cử nhân thuộc các hệ khác), 3.885 thạc sĩ (580 thạc sĩ Toán-Tin, 350 thạc sĩ Vật lí, 358 thạc sĩ Hóa học, 379 thạc sĩ Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp, 960 thạc sĩ Ngữ văn, 232 thạc sĩ Lịch sử, 205 thạc sĩ Địa lí, 703 thạc sĩ Tâm lí - Giáo dục, 28 thạc sĩ Sư phạm kĩ thuật, 4 thạc sĩ Giáo dục tiểu học và 86 thạc sĩ Giáo dục mầm non). Trường là cơ sở đào tạo sau đại học đầu tiên ở Việt Nam (bắt đầu đào tạo sau đại học từ năm 1970). Hàng năm, trường ĐHSPHN có 4.950 sinh viên chính qui, 2.000 sinh viên chuyên tu, 6.000 sinh viên tại chức, 25.000 sinh viên từ xa, 1.400 học viên thạc sĩ và 245 nghiên cứu sinh. Trường có 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 39 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Tính đến ngày 28 tháng 4 năm 2005, trường đã đào tạo 600 tiến sĩ (trong đó có 4 tiến sĩ khoa học) (146 tiến sĩ Ngữ văn, 106 tiến sĩ Tâm lí - Giáo dục, 83 tiến sĩ Địa lí, 80 tiến sĩ Sinh học, 52 tiến sĩ Lịch sử, 47 tiến sĩ Hóa học, 45 tiến sĩ Toán - Tin, 36 tiến sĩ Vật lí và 5 tiến sĩ Sư phạm kĩ thuật). Luận án tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ ngày 23 tháng 4 năm 1970, luận án tiến sĩ thứ 100 được bảo vệ ngày 10 tháng 4 năm 1992, luận án tiến sĩ thứ 200 được bảo vệ ngày 12 tháng 10 năm 1995, luận án tiến sĩ thứ 300 được bảo vệ ngày 8 tháng 5 năm 1997, luận án tiến sĩ thứ 400 được bảo vệ ngày 19 tháng 1 năm 2001, luận án tiến sĩ thứ 500 được bảo vệ ngày 12 tháng 9 năm 2002 và lụân án tiến sĩ thứ 600 được bảo vệ ngày 28 tháng 4 năm 2005.
Theo “Thống kê Giáo dục và Đào tạo năm học 2004-2005” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2004-2005 trường ĐHSPHN tuyển mới 992 học viên cao học; có tổng cộng 218 nghiên cứu sinh và 1.677 học viên cao học; số người được cấp bằng tiến sĩ là 31 và số người được cấp bằng thạc sĩ là 589; tổng số sinh viên của trường là 57.946 (6.957 sinh viên hệ chính qui, 1.454 sinh viên liên kết đại học chính qui, 2354 sinh viên hệ chuyên tu, 10.733 sinh viên hệ tại chức, 36.448 sinh viên của các hệ khác) và số tuyển mới là 17.959 (1.951 sinh viên hệ chính qui, 977 sinh viên hệ chuyên tu, 2.187 sinh viên hệ tại chức và 12.844 sinh viên của các hệ khác); số sinh viên tốt nghiệp đại học là 6.250; số giảng viên là 807; tổng số cán bộ quản lí, giảng viên và nhân viên là 1.227 (807 giảng viên trong đó có 609 giảng viên biên chế, 70 giảng viên hợp đồng dài hạn, 362 nữ giảng viên, 24 GS, 126 PGS, 227 TSKH và TS, 177 ThS, 19 Nhà giáo Nhân dân và 74 Nhà giáo Ưu tú; giảng đường có tổng diện tích là 19.760 m2 và 181 phòng; phòng máy tính có tổng diện tích là 2.812 m2 và 36 phòng; thư viện có tổng diện tích là 6.334 m2 và 31 phòng; phòng thí nghiệm có tổng diện tích là 2.545 m2 và 38 phòng.
Theo Báo cáo tổng kết năm học 2004-2005 của trường ĐHSPHN, trường có 6.983 sinh viên hệ chính qui trong đó có 1.453 sinh viên hệ chính qui theo địa chỉ, 46.768 sinh viên hệ không chính qui trong đó có 31.912 sinh viên hệ từ xa và 16.856 sinh viên hệ tại chức. Số sinh viên hệ chính qui tốt nghiệp đại học là 1.062 (tỉ lệ tốt nghiệp đại học là 92,59%, tỉ lệ tốt nghiệp loại giỏi là 11,68%, tỉ lệ tốt nghiệp loại khá là 59,04%, tỉ lệ tốt nghiệp loại trung bình khá là 29,2% và tỉ lệ tốt nghiệp loại trung bình là 0,09%). Trường tuyển mới 72 nghiên cứu sinh, 950 học viên cao học, 210 học viên dự án và mở một số lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ sau đại học. Có 80 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Nhà nước, 659 học viên cao học bảo vệ luận văn thạc sĩ và 300 học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng sau đại học.        
Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kì đổi mới, trường ĐHSPHN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, được xã hội tín nhiệm và đánh giáo cao. Từ năm 1996 đến nay, trường đã tuyển được nhiều học sinh giỏi và đã đào tạo các cử nhân khoa học tài năng tại 7 khoa là khoa Toán, khoa Vật lí, khoa Hóa học, khoa Sinh - KTNN, khoa Ngữ văn, khoa Lịch sử và khoa Địa lí. Một số sinh viên của hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng được cử đi học nước ngoài. Nhiều sinh viên của trường đạt giải cao trong các kì thi Olympic về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Hầu hết các cử nhân khoa học tài năng là nguồn cán bộ trẻ cho nhà trường và các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và trường trung học phổ thông.
Một yếu tố quan trọng để bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học là cơ sở vật chất kĩ thuật. Cơ sở vật chất kĩ thuật của trường ngày càng được tăng cường. Nhà trường đã có đủ giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở thực tập và phương tiện kĩ thuật phục vụ cho dạy và học. Nhà trường đã tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp và lành mạnh. Trường ĐHSPHN kiên trì thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "... làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước".
Trường ĐHSPHN là đơn vị trọng điểm trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học giáo dục của ngành. Trường có hơn 2.000 công trình nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn 1996-2003, trường có trên 600 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ trong đó có 178 đề tài thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, 11 đề tài đặc biệt cấp Bộ, 3 đề tài trọng điểm cấp Bộ,... Nhiều nhà khoa học của trường trở thành các nhà khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế và được nhận các Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Trong năm học 2004-2005, trường đã tiến hành nghiệm thu 135 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có 26 đề tài cấp Nhà nước, 44 đề tài cấp Bộ và 65 đề tài cấp Trường. Hiện nay, trường đang triển khai 172 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có 26 đề tài cấp Nhà nước, 77 đề tài cấp Bộ, 113 đề tài cấp Trường trong đó có 25% số đề tài phục vụ đổi mới phương pháp đào tạo. Các đề tài bao gồm các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng sản xuất phục vụ đời sống và khoa học sư phạm phục vụ đổi mới phương pháp đào tạo cử nhân chất lượng cao và sau đại học. Trường kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học thông qua hướng nghiên cứu gắn với các đề tài luận án. Kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học ngày một tăng. Từ kinh phí nghiên cứu hàng năm khoảng 400 triệu đồng đến nay là xấp xỉ 8 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến kinh phí cho các dự án, chương trình nghiên cứu như Dự án Phòng thí nghiệm Hóa - Công nghệ sinh học (hơn 29 tỉ đồng), Dự án nghiên cứu vùng sinh thái- kinh tế sông Đà (3 tỉ đồng), Dự án Sida (3 tỉ đồng), Dự án tăng cường trang thiết bị cho Viện Nghiên cứu sư phạm (3 tỉ đồng), Dự án lưu trữ gen (200 triệu đồng), Dự án phát triển giống lúa đột biến (300 triệu đồng), Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (500 triệu đồng),… Kinh phí đầu tư trang thiết bị hàng năm phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo khoảng 3 đến 4 tỉ đồng trong đó ưu tiên đầu tư trọng điểm cho một số phòng thí nghiệm quan trọng. Trường còn triển khai nghiên cứu đưa công nghệ thông tin và giáo dục môi trường vào các trường phổ thông (xây dựng hơn 100 phần mềm đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức lớp học và cấp 500 chứng chỉ bồi dưỡng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên của 44 Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức lớp học và cấp 350 chứng chỉ Giáo dục môi trường cho học viên của 40 Sở Giáo dục và Đào tạo, mở 20 lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ trong toàn trường).             
Nhờ có đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu hùng hậu, Trường ĐHSPHN có thể xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình có chất lượng cao nhằm phục vụ yêu cầu đào tạo của trường và cung cấp cho ngành sư phạm. Hai phần ba số tác giả biên soạn sách giáo khoa phổ thông là cán bộ của trường. Từ năm 1996 đến năm 2003, trường đã biên soạn 223 đầu sách giáo trình và tài liệu tham khảo. Nhà xuất bản ĐHSP của trường tuy mới thành lập nhưng đã xuất bản 147 đầu sách với số lượng hàng vạn bản. Nhà trường rất chú trọng và đẩy mạnh chương trình đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lí và giảng dạy. Trong năm học 2004-2005, trường đã xuất bản 112 giáo trình cho các hệ chính qui và không chính qui. Để phục vụ nhiệm vụ cải cách giáo dục của Bộ, trong 2 năm 2004 -2005 các cán bộ của trường đã biên soạn 17 bộ sách giáo khoa THPT phân ban của các lớp 11 và 12, đóng góp ý kiến cho chương trình và sách giáo khoa THPT thí điểm, biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng thay sách giáo khoa lớp 12 phân ban thí điểm, phối hợp với Bộ tổ chức hội thảo về chương trình và sách giáo khoa phân ban, biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng thay sách giáo khoa lớp 12 phân ban thí điểm và tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên của các tỉnh miền núi.  
Trường ĐHSPHN là một trong những trường có thành tích xuất sắc trong đào tạo tài năng trẻ cho đất nước. Hệ trung học phổ thông chuyên đã đào tạo gần 2.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông loại giỏi và xuất sắc. Có 36 học sinh đoạt Huy chương (10 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng) tại các kì thi Olympic quốc tế. Đặc biệt là liên tục từ năm 1999 đến nay, năm nào trường cũng có học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trường ĐHSPHN cũng là trường có thành tích cao trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học. Liên tục từ năm 1998 đến nay, trường đều có sinh viên đạt giải cao. Năm 2003 trường có hơn 600 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận là một trong những đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học. Trong 10 năm trở lại đây, trường có 8 giải Nhất, 11 giải Nhì, 6 giải Ba, 20 giải Khuyến khích cấp Bộ của sinh viên nghiên cứu khoa học. Trường là một trong 7 trường đại học có thành tích sinh viên nghiên cứu khoa học cao nhất trong cả nước.
Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ trẻ. Chỉ trong những năm 1999 - 2005 trường đã kết nạp 325 đảng viên trong đó có 200 đảng viên là sinh viên và học viên sau đại học. Một số cán bộ của trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.